Cần bảo đảm hiệu quả quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là kiến nghị được đưa ra tại Tọa đàm chuyên đề “Đánh giá việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện và bảng giá đất ở cấp tỉnh” do Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 1/7.
Các đại biểu tại Tọa đàm.
Các đại biểu tại Tọa đàm.

Thông tin đăng tải chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Diana Torres, Trưởng phòng quản trị và thúc đẩy sự tham gia của người dân, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, công khai thông tin đất đai là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quản trị công ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số khiếu nại, khiếu kiện ở địa phương thời gian qua.

Theo bà Torres, việc thiếu công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng và thu hồi đất đai, kết hợp với định giá đất đai ở mức thấp và hành vi trục lợi của một bộ phận công chức địa chính có thể là những nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn đất đai ở Việt Nam, đặc biệt ở những khu vực ngoại vi các TP lớn. “Khi thông tin liên quan đến đất đai được chia sẻ công khai và người dân có cơ hội đóng góp ý kiến cho dự thảo kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất, nguy cơ tham nhũng và mâu thuẫn trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm đi, niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương sẽ tăng lên”, bà nói.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu về việc công khai thông tin đất đai do UNDP tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 tại tọa đàm, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc CEPEW - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, việc công khai thông tin và cung cấp thông tin về bảng giá đất cấp tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo yêu cầu của người dân được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng như các nghị định, thông tư liên quan đến hai luật này. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, có 27 trong số 63 UBND tỉnh, TP đã đăng tải bảng giá đất cấp tỉnh giai đoạn 2020-2024 (chiếm 42,9%); có 337 trong số 704 UBND cấp huyện trên toàn quốc đã đăng tải kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021 (chiếm 47,9%).

Việc đăng tải thông tin của các cơ quan nhà nước cũng còn thiếu đồng bộ, các tài liệu đính kèm thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thường được đăng rải rác ở một số chuyên mục khác nhau trên các cổng hoặc trang thông tin điện tử, làm cho người dân gặp khó khăn trong tìm kiếm thông tin một cách đầy đủ. Vẫn theo kết quả nghiên cứu, chỉ có 17% cơ quan được khảo sát đã đăng tải đầy đủ các mục trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Nhóm nghiên cứu cũng cho hay, có 12 trong số 63 tỉnh, TP thực hiện tốt nhất việc đăng tải thông tin kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử cấp huyện, bao gồm các tỉnh Bắc Kạn; Sơn La; Nam Định; Đà Nẵng; Phú Yên; Gia Lai; Tiền Giang; Trà Vinh; Đồng Tháp; Hậu Giang; Sóc Trăng; và Cà Mau. Trong đó, ba tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, và Trà Vinh có tất cả các huyện thực hiện tốt việc công khai thông tin.

Thực thi hiệu quả quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân

Theo nhóm nghiên cứu, pháp luật về đất đai và tiếp cận thông tin của Việt Nam đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm, quy trình, hình thức và thời hạn công khai thông tin bảng giá đất cấp tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng như cung cấp những nội dung thông tin này theo yêu cầu của người dân. Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV cũng đã quyết nghị việc Chính phủ cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị của tổ chức và công dân; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Để bảo đảm thực thi hiệu quả quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân, từ đó góp phần thúc đẩy quản trị tốt đất đai và giảm thiểu xung đột đất đai tại địa phương, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần bổ sung quy trình cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân vào bộ thủ tục hành chính; bổ sung quy định cụ thể về các hình thức và các kênh công bố công khai bảng giá đất cấp tỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị triển khai thực thi đầy đủ các yêu cầu của Luật Tiếp cận thông tin 2016 thông qua các biện pháp như UBND các cấp ban hành và công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; bố trí cán bộ làm đầu mối ở những cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin; lập chuyên mục tiếp cận thông tin và danh mục thông tin phải công khai, trong đó có thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất… Theo nhóm nghiên cứu, việc thực hiện tốt những quy định này sẽ góp phần thực hiện tốt các quy định về công khai thông tin đất đai được quy định trong pháp luật về đất đai nhằm góp phần tăng hiệu quả quản trị đất đai và giảm xung đột đất đai.

Bà Ngô Thị Thu Hà cũng chỉ ra rằng, người dân, báo chí và các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy minh bạch thông tin, trong đó có thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất. “Thông tin đất đai càng minh bạch sẽ giúp cho Nhà nước quản trị nguồn tài nguyên quan trọng này tốt hơn và tăng niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước”, bà Hà nhấn mạnh.

Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, chỉ có 13,9% số người trả lời cho biết họ có dịp đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Chỉ có 42,4% số người được hỏi biết nơi cung cấp thông tin về bảng giá đất chính thức do chính quyền địa phương ban hành.

Đọc thêm