Nỗ lực lập nghiệp xa nhà để vượt khó
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp nghèo khó trên mảnh đất cằn cỗi ở xã Minh Sơn (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), từ nhỏ Lê Minh Thành đã bị ấn tượng với các nhân vật luật sư trong các bộ phim truyền hình. Học xong cấp 3, Thành thi vào Đại học Luật Hà Nội với mong muốn theo đuổi ước mơ của mình. Và ngay lần thi đó, anh đã đỗ vào Khoa hình sự của trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngày nhận được giấy báo đỗ đại học, bố mẹ của Thành vừa mừng vừa lo, bởi không kém vì không biết lấy tiền ở đâu để cho anh ăn học. Nhưng vì tương lai của con cái, bố mẹ vẫn gồng mình lo liệu, chạy vạy để có tiền cho con bước chân vào giảng đường đại học. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, học xong kỳ 1, Thành đã xin đi làm thêm để kiếm tiền tự trang trải việc ăn học của mình.
Tháng 8/2005 tốt nghiệp Đại học Luật, lúc này Thành vẫn làm ở Hà Nội và nộp hồ sơ xin việc vào một số văn phòng luật sư. Tuy nhiên, thời gian đó đi xin việc ở đâu người ta cũng yêu cầu phải có hộ khẩu ở Hà Nội và phải có phương tiện di chuyển bằng xe máy, trong khi đó, Thành chỉ có chiếc xe đạp cà tàng...
Thấy ở Hà Nội cũng khó có thể kiếm được công việc như ý muốn, về quê thì cũng không có quan hệ gì nên Thành xin ý kiến bố mẹ rồi quyết định lên nộp hồ sơ xin việc ở Lạng Sơn. Sau khi nộp hồ sơ xin việc vào Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Lạng Sơn. Qua các khâu phỏng vấn, đến tháng 11/2005 thì Thành nhận được cả 2 quyết định tuyển dụng của Tòa án và Cục Thi hành án.
Anh Thành tâm sự: “Hồi đó đứng trước hai sự lựa chọn, nếu làm ở Tòa án thì sẽ được phân về làm ở huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), còn làm ở Thi hành án thì sẽ được phân về làm việc tại huyện Chi Lăng. Do mình cũng chưa hình dung ra công việc cụ thể ra sao, lúc đầu chỉ nghĩ rằng làm ở nơi nào để thuận tiện về quê thăm cha mẹ nhất nên đã chọn xin về làm ở Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Chi Lăng. Về công tác tại đây, mình được giao nhiệm vụ làm chuyên viên pháp lý xuống cơ sở xác minh, đôn đốc công việc thi hành án”.
Mới đầu còn chưa hiểu về công việc nhưng do chịu khó nghiên cứu tài liệu, văn bản pháp luật và được các đồng nghiệp hướng dẫn nên anh Thành luôn hoàn thành tốt các công việc được lãnh đạo giao.
Anh kể lại kỷ niệm những ngày đầu bước chân vào nghề, được phân công đi công tác ở xã, hầu hết người dân đều là người dân tộc, mà theo phong tục tập quán thì vào công tác thì kiểu gì cũng phải uống rượu với trưởng thôn thì mới “được việc”. Sau nhiều ngày trăn trở, làm sao để vừa giải quyết được việc mà không làm phật ý mọi người, anh đã khéo léo xin phép để giải quyết công việc xong thì sẽ uống rượu sau. Lúc đầu họ không đồng ý vì nghĩ rằng anh “khách sáo”, nhưng rồi mọi chuyện cũng được ổn thỏa.
Khoản cuối năm 2005, đầu năm 2006 Thành được bầu làm Bí thư Chi đoàn của 3 cơ quan Viện kiểm sát, Chi cục Thi hành án, Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng. Đến năm 2010, anh Thành được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của Chi cục THADS huyện Chi Lăng. Sau nhiều năm cống hiến, phấn đấu và đạt nhiều thành tích trong công tác, đến tháng 6/2014, Chấp hành viên Lê Minh Thành chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Chi Lăng.
Người cán bộ tận tình với nhân dân
Quãng thời gian 10 năm công tác, cũng có nhiều kỷ niệm khiến anh phải nhỡ mãi. Theo dòng suy tư, anh kể lại cho chúng tôi nghe một câu chuyện mà anh không thể quên trong thời gian đầu vào nghề: “Khoảng năm 2008, tôi được giao nhiệm vụ phải thi hành việc giao con cho người mẹ tên là Nguyễn Thị Thèn (SN 1980, người dân tộc Tày, ngụ xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng). Theo quyết định của Tòa án, sau khi người chồng của chị Thèn mất vì vụ tai nạn giao thông thì người đại diện là chị Thèn nhận được một khoản tiền bồi thường khoảng hơn 100 triệu và có trách nhiệm nuôi cháu bé. Tuy nhiên, mẹ chồng của chị Thèn là bà Hoàng Thị Lập (SN 1956) lại không chịu giao con cho chị Thèn mà đòi giữ lấy cháu bé và đòi nhận khoản tiền bồi thường để nuôi dưỡng cháu bé”.
Sau nhiều lần thuyết phục nhưng bà Lập vẫn không chịu nghe, thậm chí khi cơ quan chức năng đến yêu cầu giao cháu bé cho chị Thèn thì bà Lập còn chống đối, chửi bới lực lượng chức năng. Do là vấn đề về con người, nếu cưỡng chế bà Lập để đưa cháu bé cho chị Thèn thì sẽ hợp lý nhưng không hợp tình. Lần đó, anh đã phải trăn trở nhiều ngày và quyết định sẽ tìm cách thuyết phục bà Lập, mặc dù biết rằng sẽ cần nhiều thời gian. Từ những lần tâm sự, những câu chuyện để phân tích lý tình cho bà Lập, những nỗ lực đó của anh đã đưa đến kết quả mỹ mãn vẹn cả đôi đường. Đó là bà Lập đã tự nguyện giao cháu bé và khoản tiền bồi thường cho chị Thèn nuôi dưỡng và quản lý.
Một lần khác vào năm 2013, anh Thành được giao nhiệm vụ thi hành bản án về việc tranh chấp đất đai giữa đền Cao Đức Thánh Cả (huyện Chi Lăng) với ông Đỗ Đức Toản (ngụ thôn Pha Lát, thị trấn Chi Lăng). Vụ việc phức tạp, qua nhiều phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi lại hủy để xử lại, cuối cùng Tòa án ra phán quyết yêu cầu Đền Cao Đức Thánh Cả phải trả lại 20m2 đất cho ông Toản.
Ngay sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan chức năng đã tống đạt quyết định thi hành án, nhưng ngặt nỗi, khu vực đền Cao Đức Thánh Cả thuộc thôn Cây Hồng và thôn Xóm Lá (thị trấn Chi Lăng), quản lý đền này là những người trên 40 tuổi của cả 2 thôn được cử vào Ban hương trưởng, đồng thời bầu ra một người làm Trưởng ban đó là ông Nguyễn Văn Nhiên (lúc bấy giờ là Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng).
Mặc dù đi tống đạt nhiều lần nhưng Ban hương trưởng không đồng tình vì đây không phải là việc của cá nhân họ, cũng không đồng ý giao đất của đền cho ông Toản. Thời gian này, anh Thành cũng thường xuyên nhận được những cuộc gọi của nhiều người trong Ban hương trưởng, họ còn đe rằng nếu anh mà cố làm thì “thánh” sẽ vật chết.
Thậm chí, khi tống đạt quyết định thi hành án buổi sáng và cho gia đình ông Toản xây tường lên thì đến đêm, thanh niên ở làng lại ra đạp đổ tường. Sau nhiều lần không giải quyết được triệt để, anh Thành phải đi từng nhà, gặp từng người trong Ban hương trưởng để thuyết phục, phân tích cho họ hiểu quy định của pháp luật. Tốn nhiều công sức, cuối cùng phần đa những người trong Ban hương trưởng cũng đồng ý, phần còn lại thì chống đối và không chấp hành. Sau đó cơ quan thi hành án phải tiến hành cưỡng chế, hôm đó, anh đã trực tiếp vào đền để thắp hương trước sự chứng kiến của người dân địa phương. Sau khi làm các thủ tục đáp ứng yêu cầu tâm linh của người dân, anh Thành đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, lập biên bản và giao đất cho ông Toản theo đúng quy định của pháp luật.
Cống hiến trong ngành đến nay được hơn 10 năm, mặc dù là cán bộ trẻ nhưng nhiều năm liền Thành nhận được nhiều thành tích là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở, được nhiều giấy khen của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Lạng Sơn. Gắn bó với công việc thực thi pháp luật, Chấp hành viên Lê Minh Thành luôn tâm đắc với câu: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, từ đó luôn nhắc nhở mình phải luôn làm việc xuất phát từ tâm trên tinh thần thượng tôn pháp luật để có thể vừa thấu tình, vừa đạt lý.