Chuyện nghề Thi hành án Dân sự

Cán bộ thi hành án vùng cao Phạm Ngọc Hưởng và kỷ niệm bị đương sự chốt cửa dọa ..."đốt xăng"

(PLVN) - Anh Phạm Ngọc Hưởng (SN 1972), Chi Cục trưởng Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã hơn 30 năm gắn bó với nghề thi hành án dân dự. Anh đủ trải nghiệm, thấu hiểu và cảm nhận được cái gian nan của nghề này ở vùng cao.
Anh Phạm Ngọc Hưởng (người ngồi xem máy tính) cùng các đồng nghiệp trong một lần làm việc tại cơ sở.
Anh Phạm Ngọc Hưởng (người ngồi xem máy tính) cùng các đồng nghiệp trong một lần làm việc tại cơ sở.

Lăn lộn với cơ sở

Gặp Chi Cục trưởng Chi Cục thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên Phạm Ngọc Hưởng khi mới đi cơ sở về, anh chia sẻ: “Hầu hết các xã của huyện Tuần Giáo đều ở xa trung tâm huyện. Đi cơ sở là mất ngày mất buổi, thậm chí có chuyến đi mất cả tuần trời”.

Trong suốt câu chuyện của mình, anh Hưởng nói về công việc của mình một cách say mê. Gắn bó với vùng cao nên anh hiểu cuộc sống bà con. Điều này giúp anh thực hiện công việc được suôn sẻ.

“Công tác thi hành án dân sự không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đây là lĩnh vực đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ không chỉ có kiến thức pháp luật vững vàng, mà còn phải có bản lĩnh, sự kiên trì, lòng kiên nhẫn và cái tâm trong sáng”, anh Hưởng nói.

Theo anh Phạm Ngọc Hưởng, có những vụ việc kéo dài vài năm, nhiều lúc phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía đương sự. Nhưng chính trong những thử thách ấy, anh và các đồng nghiệp học được sự bình tĩnh, tính nhân văn và học được cách lắng nghe, chia sẻ từ người dân.

Chi Cục trưởng Cục thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - Phạm Ngọc Hưởng.

Chi Cục trưởng Cục thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - Phạm Ngọc Hưởng.

Anh Phạm Ngọc Hưởng tham gia công tác trong ngành Thi hành án từ năm 1994 khi ngành vừa được tách ra từ Tòa án. Năm 1995, lãnh đạo ngành tin tưởng bổ nhiệm anh làm Đội trưởng Đội Thi hành án dân sự huyện Tủa Chùa. Đây là huyện nghèo, vùng cao của tỉnh Điện Biên, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm trên 73% dân số.

Khi đó, giao thông đi lại khó khăn, từ huyện xuống các xã đều là đường cấp phối, chưa có đường nhựa, mùa mưa thường bị sạt lở, tắc đường. Ở hầu hết các xã tình trạng mua bán và sử dụng chất ma túy, nạn trộm cắp, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm cho nhiều gia đình ly tán, trẻ em sống trong cảnh côi cút, đói nghèo. Ngoài ra, bà con còn lưu giữ nhiều hủ tục như tang ma dài ngày và không đưa thi thể người chết vào quan tài gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường.

Cuộc sống của bà con khó khăn trăm bề, trẻ em học hành chểnh mảng, trong khi đó tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó đàn ông người Mông uống rượu, hút thuốc phiện diễn ra thường xuyên... Trước tình hình đó, anh Hưởng với nhiệt huyết và trách nhiệm, đã cùng các cán bộ khác từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

“Đến giờ những vụ việc hay những ngày tháng đầy gian khó đó vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi”, anh Hưởng nói và kể kỷ niệm lần đi giải quyết vụ việc ông Vàng Nhè Thu phải thi hành 15 triệu tiền phạt sung công quỹ nhà nước.

Ông Nhè Thu có điều kiện thi hành án nhưng rất ngang không chịu thi hành. Khi anh Hưởng tiếp xúc và nhận thấy ông Thu tính cách có chút hảo hán. “Với cảm nhận này tôi lựa tâm lý vận động ông Thu thi hành án thì bất ngờ ông Thu thách đố tôi uống rượu. Ông Thu nói: “Nếu mày uống một hơi hết bát rượu ngô thì tao sẽ nộp tiền”.

Đứng trước lời thách đố của đương sự, mặc dù không biết uống rượu, nhưng nghĩ đến công việc anh Hưởng đã nhắm mắt uống 1 hơi hết bát rượu ông Thu rót.

"Uống xong, tôi chỉ kịp hô anh em ghi biên lai còn mình chạy ra đầu nhà nôn thốc nôn tháo”, anh Hưởng nhớ lại kỷ niệm nhớ đời.

Suốt những năm tháng làm việc ở vùng cao Tủa Chùa, anh Hưởng còn có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Anh và anh em trong đội lăn lộn ở cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Biết bao vụ việc hóc búa, gặp phải đối tượng khó thi hành án, nhưng bằng kinh nghiệm và sự khéo léo, hiểu phong tục, anh và đồng nghiệp đã từng bước xử lý một cách êm xuôi.

Chi cục trưởng Phạm Ngọc Hưởng cùng đồng nghiệp trong một lần đi cơ sở.

Chi cục trưởng Phạm Ngọc Hưởng cùng đồng nghiệp trong một lần đi cơ sở.

Đương sự nhốt cán bộ, cầm can xăng 20 lít... dọa đốt

Năm 2008, anh Hưởng được lãnh đạo điều động về xây dựng đơn vị mới tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Mường Ảng.

Huyện có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, cơ sơ hạ tầng thấp kém, một bộ phận nhân dân thiếu đất sản xuất, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp.

Khi đó, do cà phê xuống giá, mất mùa nên việc một số hộ gia đình làm trang trại cà phê bị thua lỗ dẫn đến án dân sự kiện cáo đòi nợ gia tăng. Từ đây công tác thi hành án có những khó khăn vất vả nhất định, có những vụ việc phải cưỡng chế và giải quyết khiếu nại nhiều năm.

Trong số các vụ thi hành án kéo dài, phức tạp, anh Hưởng nhớ nhất vụ hộ gia đình bà Hường (tên nhân vật được thay đổi) và công ty TNHH HH phải trả nợ cho nhiều cá nhân với số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2016. Cơ quan thi hành án đã động viên thuyết phục nhiều lần nhưng gia đình bà Hường và Công ty TNHH HH không tự nguyện thi hành án nên Chi cục Thi hành án đã tổ chức kê biên quyền sử dụng đất 292 m2 của bà Hường và quyền sử dụng đất 5 ha đất trồng cà phê cùng toàn bộ số cây cà phê 5 năm tuổi trên diện tích 5ha của Công ty TNHH HH.

Sau khi cưỡng chế và bán đấu giá thành công, gia đình bà Hường và công ty không tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá, buộc cơ quan thi hành án một lần nữa phải cưỡng chế giao tài sản.

Trước ngày cưỡng chế, tổ công tác gồm cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương đến vận động và tống đạt thông báo cưỡng chế thì chồng bà Hường đã chốt cửa nhốt tổ công tác lại, xách 1 can xăng 20 lít ra dọa đốt.

Trước tình huống đó, anh Phạm Ngọc Hưởng bình tĩnh phân tích rõ thiệt hơn với đương sự: “Nếu chú (ông Hưởng xưng với chồng bà Hường) bật lửa đốt thì với can xăng kia cháy cả 4 chú cháu mình cùng chết. Tuy nhiên, chú sẽ mắc tội chống người thi hành công vụ, giết người. Sau này trong lý lịch của con cháu chú luôn có dòng bố, ông là kẻ phạm tội giết người. Ngược lại 3 anh em cháu sẽ là liệt sỹ, con cháu chúng cháu, gia đình chúng cháu không có gì phải hổ thẹn. Đây chỉ là một vụ việc dân sự làm ăn không may thua lỗ thì phải trả, chú đừng để xảy ra một vụ án hình sự không đáng có, tiền mất có thể làm lại được nhưng mạng người mất và danh dự mất sẽ không bao giờ lấy lại được đâu. Vậy nên, chú bình tĩnh và phối hợp với cơ quan thi hành án để giải quyết vụ việc”.

Sau khi nghe những điều anh Hưởng phân tích, chồng bà Hường như bừng tỉnh, chột dạ.Trong lúc mất tập trung đã tạo điều kiện cho đồng chí chuyên viên của chi cục giật được bật lửa.

“Chúng tôi tiếp tục thuyết phục, đồng thời nhanh chóng lập biên bản giao nhận giấy tờ thi hành án theo đúng quy định, trở về an toàn”, anh Hưởng nói và cho biết, một tuần sau, Chi cục tiến hành cưỡng chế giao tài sản.

Gia đình bà Hường vẫn chống đối bằng cách chuyển thêm nhiều tài sản gồm giường, tủ, bàn ghế, xe máy, xe đạp của người em rể vào nhà, đêm trước ngày cưỡng chế tưới xăng quanh nhà, đồng thời khóa cửa bỏ đi. Lực lượng công an đã phải thức suốt đêm để bảo vệ hiện trường cưỡng chế và phòng cháy.

Sáng hôm sau theo đúng kế hoạch, Hội đồng cưỡng chế đọc quyết định cưỡng chế. Sau khi làm các thủ tục theo quy định, Hội đồng cưỡng chế tiến hành cắt khóa di chuyển tài sản ra ngòai và giao nhà cho người trúng đấu giá. Tài sản của gia đình bà Hường được kiểm đếm, ghi rõ hiện trạng, niêm phong chuyển về kho cơ quan thi hành án, sau đó mời gia đình bà Hường đến nhận.

Tuy nhiên, gia đình không nhận mà viết đơn tố cáo chấp hành viên cố tình làm sai lệch hồ sơ, lợi dụng chức vụ cưỡng chế trái pháp luật, chiếm đoạt 100 cây vàng 9999, 750.000.000đ, 5 cây bạc trong tủ quần áo.

Cục và Tổng cục thi hành án giải quyết tố cáo bác toàn bộ nội dung tố cáo, xác định tố cáo là sai sự thật. Tuy nhiên, con trai bà Hường vẫn tiếp tục viết đơn đến nhiều cơ quan và dùng mạng xã hội để nói xấu chấp hành viên.

Chi cục thi hành án đã có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc. Sau đó, Công an huyện Mường Ảng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với con trai bà Hường về tội vu khống.

Lúc này gia định bà Hường mới ân hận và đến gặp chấp hành viên xin lỗi, ngỏ lời muốn bồi thường danh dự.

Với quan điểm đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, chấp hành viên đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho con trai bà Hường, đồng thời không nhận tiền bồi thường nhưng yêu cầu phải xin lỗi công khai cơ quan thi hành án và chấp hành viên trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện Mường Ảng và của tỉnh Điện Biên.

“Đấu tranh để việc thi hành án diễn ra đúng pháp luật nhiều khi rất cam go, phức tạp và nguy hiểm đến cả tính mạng, danh dự”, Chi cục trưởng Phạm Ngọc Hưởng tâm sự.

Chi cục trưởng Phạm Ngọc Hưởng cùng đồng nghiệm tham gia thi hành án một vụ việc tại các xã vùng cao của tỉnh Điện Biên.

Chi cục trưởng Phạm Ngọc Hưởng cùng đồng nghiệm tham gia thi hành án một vụ việc tại các xã vùng cao của tỉnh Điện Biên.

Năm 2020, anh Phạm Ngọc Hưởng được điều động về công tác tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo. Bằng kinh nghiệm của mình, anh đã giúp công tác thi hành án của địa phương diễn ra thuận lợi.

“Còn nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” liên quan đến những vụ thi hành án ở miền núi. Để thuyết phục các đương sự thành công, ngoài việc nắm rõ quy định pháp luật, cần nắm rõ tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của người dân và có cách thuyết phục vừa cương quyết vừa khéo léo thì công việc thi hành án mới đem lại hiệu quả”, anh Hưởng chia sẻ.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề thi hành án, Chi cục trưởng Phạm Ngọc Hưởng khẳng định: “Tôi tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé của mình vào hành trình lớn mạnh của ngành thi hành án tại địa phương. Giờ đây, khi nhìn lại, tôi cảm thấy trọn vẹn và biết ơn”.

Đọc thêm