Ông Nguyễn Hữu Đức (SN 1956) và ông Phùng Văn Lài (SN 1950) trú tại xóm 1, xã Đức Yên, Đức Thọ (Hà Tĩnh) tố cáo bà Lương Thị Lý - thủ quỹ xã UBND xã Đức Yên - hưởng chế độ người có công trái quy định?.
Ông Nguyễn Hữu Đức (phải) và ông Phùng Văn Lài, hai người đứng ra tố cáo bà Lương Thị Lý. |
Hồ sơ có đúng sự thật?
Bà Lý làm hồ sơ thương tật theo diện 2 người làm chứng, chúng tôi đã gặp hai người này là ông Bút (trú tại xã Sơn Bằng, Hương Sơn) và ông Tam (trú tại Sơn Trung, Hương Sơn) để làm rõ. Ông Tam cho biết: “Tôi làm cán bộ đại đội quản lí dân công hỏa tuyến tại Lào. Hình như hồi đó không có ai bị thương cả. Tôi chỉ chứng nhận là có cùng đơn vị dân công với họ. Thực chất là có người đến nhờ, tôi cho mượn hồ sơ rồi họ tự ghi như thế nào đó còn tôi có ký vào đó hay không cũng không nhớ rõ”. Ông Tam cho biết ông đã “giúp” hàng chục người với cách tương tự.
Ông Bút năm nay đã vào tuổi 80, còn khỏe mạnh, minh mẫn, công nhận là ông đã làm chứng để bà Lý làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh. Ông Bút khẳng định bà Lý có bị thương do sức ép của mìn vào năm 1972, có điều trị tại trạm xá một thời gian. Cùng bị thương với bà Lý có bà Thái ở Đức Thọ. “Bà Lý chỉ bị sức ép thôi, còn bà Thái bị nặng hơn, hiện còn mảnh đạn trong người, chưa được chế độ, rất tội”, ông Bút nói. Khi chúng tôi hỏi tại sao có người ở cùng tiểu đội xác nhận bà Lý không bị thương, ông Bút giải thích: “Do hồi đó tiểu đội có tách ra nên họ không biết”.
Ông Tam và ông Bút, mặc dù cùng đơn vị, cùng xác nhận cho một đối tượng nhưng nói mỗi người một kiểu nên chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Dung, trú tại xã Bùi Xá (Đức Thọ) trước đây là tiểu đội phó (cùng tiểu đội với bà Lý) và ông Nguyễn Đình Lân, trú tại thị trấn Đức Thọ (trước đây là tiểu đội trưởng của tiểu đội bà Lý). Cả hai người đều khẳng định bà Lý không bị thương.
Ông Lân còn khẳng định ông là người gần gũi với bà Lý trong thời gian 3 tháng đi dân công hỏa tuyến, lúc đó nước Lào đã giải phóng. Đơn vị của ông có nhiệm vụ bốc hàng, trong cả quá trình làm việc đến khi về nước không có ai bị thương tích gì, không có bom mìn gì. Ông Lân còn khẳng định trong thời gian 3 tháng đó đơn vị ông không hề chia tách; bà Nguyễn Thị Thái không đi dân công cùng đợt, không cùng đơn vị với ông và bà Lý.
Ông Lân cho biết hồi bà Lý làm hồ sơ thương binh, huyện Đức Thọ đang rộ lên phong trào “chạy” thương binh.
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng ông Bút đã nói không đúng sự thật. Bởi vì người trực tiếp, gần gũi nhất là cùng cấp tiểu đội, còn cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn thì khó mà nắm rõ hết các thành viên. Thứ nữa là ông Bút còn khẳng định bà Lý bị thương cùng lần với bà Thái, trong khi bà Thái không đi dân công cùng đợt với bà Lý.
Trong khi ông Lân còn nhớ rõ vào thời điểm đó, ông Bút là C trưởng, ông Tam là C phó và không hề có việc chia tách đơn vị. Bà Lương Thị Lý đã ký xác nhận hồ sơ cho bà Thái và bà Thái cũng lên nhờ ông Bút xác nhận hồ sơ. Một điều nữa là ông Bút nói bà Lý bị thương vào đầu năm 1972, nhưng đến cuối 1974 bà này mới đi dân công. Vào năm 1972 bà Lý mới 15 tuổi (bà Lý sinh tháng 12/1957).
Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc làm rõ sự việc, tránh gây bức xúc trong nhân dân, nếu không cũng trả lại công bằng cho người liên quan.
Phan Quyên