Cần chế tài nghiêm để bảo vệ môi trường từ gốc

(PLO) - Chiều nay (25/11), Quốc hội sẽ thảo luận về Luật  Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi). Trao đổi với báo chí về Dự thảo Luật này, ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng: “Phải có chế tài nghiêm ngay từ giai đoạn đánh giá tác động của môi trường mới giải quyết được vấn đề môi trường từ gốc”.
Ông quan tâm đến vấn đề gì trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)?
- Luật BVMT (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung sửa đổi, trong đó có vấn đề tăng cường chế tài với hoạt động BVMT trong các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt với đánh giá tác động môi trường của các dự án với phát triển kinh tế - xã hội cần quy định chặt chẽ, khả thi, đảm bảo tính chế tài cao hơn vì có làm như vậy chúng ta mới giải quyết được vấn đề môi trường từ gốc, tức là từ trước khi triển khai dự án cụ thể. Đây cũng là hạn chế trong việc thực thi Luật BVMT hiện nay. Do đó đòi hỏi phải có quy định chặt chẽ những quy trình đảm bảo thẩm định, đánh giá tác động môi trường từ khâu quy hoạch cho đến triển khai các dự án cụ thể, kể cả trước và sau khi thực hiện dự án.
Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ
Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Khoa học Công nghệ 
Vấn đề thứ hai tôi quan tâm là việc kết hợp BVMT với những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mới mà cả thế giới quan tâm và tác động biến đổi khí hậu không phải 50 hay 100 năm nữa mà trên thực tế đã tác động rồi. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với môi trường, sinh thái nói chung đối với các điều kiện tự nhiên của các hoạt động kinh tế - xã hội đáng kể nên phải có sự tích hợp các giải pháp biến đổi khí hậu đối với các giải pháp về môi trường.
Theo ông, cần làm như thế nào để qui được trách nhiệm cụ thể trong các vụ việc liên quan đến môi trường?
- Ở đây liên quan đến việc phân định trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Đây là điểm phải phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước cũng như quá trình giám sát, thanh tra, kiểm tra nhưng phải xác định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở Trung ương với cơ quan quản lý ở địa phương. Khi đã xác định rõ trách nhiệm như vậy thì khi sự việc xảy ra sẽ quy trách nhiệm rõ hơn.
Vậy còn việc đền bù cho người dân trong các vụ việc gây ô nhiễm môi trường?
- Tùy thuộc mức độ vi phạm cụ thể để xác định mức độ thiệt hại do tổ chức, doanh nghiệp gây ra và đánh giá tác động vi phạm đó, đối với xã hội nói chung và với địa phương, người dân sinh sống ở nơi có các vi phạm đó, dự án đó. Từ đó, xác định trách nhiệm phải đền bù với từng đối tượng mà hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra. Vì thế, Dự thảo Luật này đi theo hướng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện giải pháp BVMT, khi xảy ra ảnh hưởng tới môi trường và quy định rõ cơ chế xử lý khi doanh nghiệp vi phạm quy định BVMT.
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm