Từng bước “chạm” đến nhu cầu được PBGDPL
Trước khi có Luật PBGDPL, đội ngũ BCVPL đã là đối tượng điều chỉnh của Thông tư 18/2010. Tuy mới chỉ dừng lại ở một văn bản cấp Bộ song nhờ có Thông tư 18 và các qui định liên quan, đội ngũ BCVPL đã có những nền tảng để phát triển thành một mạng lưới “đưa pháp luật vào cuộc sống”, góp phần tích cực nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, tổ chức và đưa pháp luật lan tỏa đến mọi hoạt động của xã hội.
Cùng với sự phát triển của xã hội, pháp luật, nhất là sự ra đời của Luật PBGDPL, trình độ nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao nên yêu cầu đối với các BCVPL cũng được thay đổi theo hướng có nhiều đòi hỏi hơn về trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ bên cạnh sự nhiệt tình, trách nhiệm. Có như vậy, các hoạt động PBGDPL mới tránh được tính hình thức, sáo mòn không chỉ diễn ra theo cách “một người đọc luật, nhiều người trật tự ngồi nghe, rồi… không biết phải làm gì với những gì được nghe” như phản ánh của một số người từng được dự PBGDPL.
Thực tế thời gian qua, những người làm công tác PBGDPL đã có nhiều tìm tòi, suy nghĩ và áp dụng những cách làm mới, khai thác lợi thế của các phương tiện truyền thông đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin để các hoạt động PBGDPL không nhàm chán mà “chạm” đến được nhu cầu của các đối tượng được PBGDPL. Hiệu quả từ nhiều mô hình PBGDPL mới đã chứng minh được chất lượng của hoạt động PBGDPL và đội ngũ BCVPL.
Chuẩn hóa để có đội ngũ PBGDPL chuyên nghiệp
Song trong tình hình mới, đội ngũ BCVPL muốn “lột xác”, đáp ứng các qui định mới để phát triển về chất lượng tương ứng với yêu cầu của công tác PBGDPL thì cần phải làm nhiều việc cụ thể hơn nữa, trong đó có việc xác định rõ trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm BCVPL. Bên cạnh đội ngũ truyền thống này, theo qui định mới về PBGDPL, tham gia vào công tác PBGDPL còn có các tuyên truyền viên pháp luật, những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở.
Trong những người có nhiều điều kiện và khả năng tham gia PBGDPL, đội ngũ luật sư (LS) rất có tiềm năng. Với hơn 8.000 LS và khoảng 3.500 người tập sự hành nghề LS, chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý của LS đã được nâng lên một bước, đội ngũ LS thực sự là lực lượng đông đảo để cung ứng nhân lực “hiểu biết sâu sắc về pháp luật” cho hoạt động PBGDPL nếu họ được khuyến khích và tạo điều kiện. Ngược lại, khi tham gia PBGDPL, đội ngũ LS cũng có thêm nhiều cơ hội cọ xát, nắm bắt nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội để cung ứng sát hơn, nâng cao hơn chất lượng hoạt động của LS.
“Tích hợp” hoạt động LS với PBGDPL và thu hút nhiều lực lượng khác trong xã hội tham gia PBGDPL là có thêm nhiều cơ hội để xã hội hóa mạnh mẽ hơn và thu hút “chất xám” của xã hội cho công tác PBGDPL, nhưng lại đặt ra nhiều yêu cầu hơn để củng cố, quản lý để các đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động của BCVPL.
Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ làm việc này với mục tiêu đội ngũ làm công tác PBGDPL được chuẩn hóa, ngày càng chuyên nghiệp và góp phần củng cố chất lượng, hiệu quả PBGDPL trong khuôn khổ hành lang pháp lý từ Luật PBGDPL, ngày càng góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.