Cần cơ chế để Thừa phát lại tiếp cận người có yêu cầu thi hành án

(PLO) - Đó là một trong nhiều giải pháp mà các Văn phòng Thừa phát lại (TPL) đề xuất nhằm cải thiện tình trạng số việc thi hành án (THA) của các văn phòng còn quá thấp so với khả năng và nhu cầu của xã hội như hiện nay. 

Thời gian qua, với sự ra đời của TPL, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ THA tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời. TPL được kỳ vọng như một lực lượng mới có thể chia sẻ trách nhiệm với hệ thống cơ quan THA hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức THA, tạo thêm cho người dân quyền lựa chọn dịch vụ THA tốt nhất cho mình.

Việc tổ chức THA của Văn phòng TPL cũng giúp cho việc giảm tải các vụ việc THA còn tồn đọng, đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân. Việc có thể lựa chọn THA tại cơ quan THA hoặc Văn phòng TPL tạo một bước tiến mới trong hoạt động pháp lý phù hợp với sự phát triển của xã hội và góp phần khẳng định sự dân chủ trong đời sống nhân dân. 

Tuy bước đầu đã nhận được sự đón nhận và tin tưởng của xã hội nhưng hiện nay, số việc đương sự yêu cầu Văn phòng TPL ký hợp đồng với tổ chức THA còn rất ít do người dân chưa tin tưởng vào TPL, không có cơ chế chuyển việc THA từ cơ quan THA sang Văn phòng và ngược lại, phạm vi tổ chức THA bị giới hạn trong phạm vi hẹp.

Một nguyên nhân chủ yếu khác là do công tác phối hợp giữa Văn phòng TPL và các cơ quan có thẩm quyền liên quan (như cơ quan thuế, ngân hàng, đăng ký quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương, ban quản lý dự án…) còn chưa tốt. Các quy định trong việc cưỡng chế THA có huy động lực lượng do các Văn phòng TPL thực hiện theo các quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và 135/2013/NĐ-CP bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, khó thực hiện, chưa được sự phối hợp, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và cơ quan bảo vệ cưỡng chế.

Do đó, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thường phát sinh trong thực tiễn, nhiều Văn phòng TPL cho rằng cần tạo cơ chế để TPL tiếp cận người có yêu cầu THA. Cụ thể, cần ghi rõ trong Bản án hoặc Quyết định của Tòa án nội dung: Bản án này có thể được thi hành tại Chi cục THADS hoặc Văn phòng TPL có thẩm quyền; quy định việc TPL được quyền nhận Bản án hoặc Quyết định từ Tòa án để tự tiếp xúc, giới thiệu chức năng THA của mình đến cá nhân, tổ chức có nhu cầu tổ chức THA. Chi cục THADS nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở cũng cần tạo điều kiện, bố trí địa điểm để TPL cùng tiếp dân, để người dân được quyền tự do chọn lựa đơn vị thực hiện THA cho mình. Nếu giải pháp này được quan tâm, chỉ đạo thực hiện sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động TPL.

Về lâu dài, cần có cơ chế phân việc giữa TPL và các Chi cục THADS, việc nào Chi cục THA thực hiện, việc nào Văn phòng TPL thực hiện. Đặc biệt, có thể nghiên cứu thành lập Trung tâm dữ liệu THA để tập trung thông tin về bản án, quyết định, tài sản THA… để các cơ quan THA, Văn phòng TPL tự do tiếp cận thông tin và trả chi phí.

Hiện nay các Văn phòng TPL đã được thành lập ở các tỉnh, thành trên cả nước, vì vậy cần bổ sung quy định cơ chế ủy thác giữa các Văn phòng TPL với nhau trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa các Văn phòng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng TPL và các cơ quan THADS trong việc tổ chức THA, sử dụng kết quả xác minh điều kiện THA do TPL cung cấp, nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của ngành THA.

Song song với đó, các cơ quan có thẩm quyền vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để sớm xây dựng Luật TPL.

Nói cho cùng, để việc tổ chức THA nói riêng và các hoạt động của Văn phòng TPL nói chung ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực, các Văn phòng cần chứng minh tính hiệu quả của mình qua thực tiễn tổ chức THA cụ thể, đồng thời không ngừng học hỏi để nhanh chóng bắt kịp trình độ của chấp hành viên, từ đó tạo thêm được sự tin tưởng từ phía Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội.

Đọc thêm