Cần cơ chế giúp "người từng là hàng hóa" hòa nhập đời thường

Tuy các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện nay, nạn mua bán người (MBN) vẫn diễn ra rất phức tạp, kéo theo nó là những khó khăn trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân sau những tháng ngày tủi nhục chịu thân phận “hàng hóa”…

Tuy các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện nay, nạn mua bán người (MBN) vẫn diễn ra rất phức tạp, kéo theo nó là những khó khăn trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân sau những tháng ngày tủi nhục chịu thân phận “hàng hóa”…

Hầu hết nạn nhân các vụ mua bán người khó ổn định tâm lý  và vững vàng trở lại cuộc sống bình thường
Hầu hết nạn nhân các vụ mua bán người khó ổn định tâm lý và vững vàng trở lại cuộc sống bình thường

Ít đầu tư, hạn chế hỗ trợ

Điểm chung trong thực tiễn giải quyết “hậu quả” của các vụ MBN tại các địa phương có nhiều nạn nhân của nạn MBN như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh; Thanh Hoá, Nghệ An; An Giang, Tây Ninh… là hầu hết các nạn nhân chưa được hỗ trợ về kinh tế, tâm lý, xã hội, pháp lý để giải quyết khó khăn ban đầu, hoặc được hỗ trợ thì rất ít, nên khó ổn định tâm lý và vững vàng trở lại với cuộc sống bình thường.

Ngoài ra, sự kỳ thị của xã hội, tâm lý e ngại, xấu hổ của các nạn nhân cũng khiến công tác tái hòa nhập cộng đồng càng thêm khó khăn. Thậm chí, có nhiều trường hợp, cuộc sống bấp bênh khiến nhiều người liên tục rơi vào bẫy của bọn MBN, hay quay sang thành kẻ “buôn người” nhờ “kinh nghiệm” trong thời gian bị buôn bán.

Nguyên nhân được các Sở LĐTB&XH chỉ ra là do chưa có các qui định cụ thể về vấn đề này nên việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về còn hạn hẹp. Như ở Quảng Ninh, các nạn nhân được giải cứu mới chỉ được hỗ trợ tạm thời, mang tính tình thế theo từng sự việc như được lưu trú trong thời gian rất ngắn tại Đồn biên phòng cửa khẩu Móng Cái, hoặc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và chưa được chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng đầy đủ. Thậm chí, các đối tượng được tiếp nhận từ phía Trung Quốc (không thuộc diện hưởng chế độ chính sách) chỉ nhận được khoản hỗ trợ tiền ăn và tiền xe trở về nhà…

Được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tối đa là 60 ngày?

Do vậy, dự thảo Nghị định quy định cơ sở hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống MBN, được xây dựng đặt mục tiêu hàng đầu trong quá trình hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán là lợi ích về tinh thần và thể chất, cùng các yếu tố đảm bảo cho nạn nhân được tiếp cận với các dịch vụ hiệu quả nhất.

Đồng thời, tạo điều kiện để nạn nhân tự lựa chọn môi trường, địa điểm tái hòa nhập cộng đồng, cũng như có các quy định về bí mật thông tin, đảm bảo an toàn tính mạng cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, tố giác tội phạm và giải cứu.

Theo dự thảo các nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam; người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tối đa là 60 ngày tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, tiền mua quần áo và các vật dụng cá nhân cần thiết khác 1 lần và tiền tàu xe, ăn trong thời gian trở về nơi cư trú.

Khi lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân được khám, điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (nếu có nhu cầu), được hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý, học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, vay vốn để sản xuất, kinh doanh…

Cùng với việc hoàn thiện chính sách, các địa phương cũng phải chủ động tổ chức các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về. Nhiều mô hình ở địa phương bước đầu đã cho thấy hiệu quả, song điều quan trọng là cần có một cơ chế pháp lý để thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ, đầu tư mới có thể duy trì được lâu dài.

Huy Anh

Đọc thêm