Điều động khoảng 25.000 công an chính quy làm công an xã
Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi (dự thảo Luật), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay số đơn vị công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy là 1.065; số đơn vị công an xã, thị trấn chưa được bố trí công an chính quy còn 8.516. Như vậy, để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm trưởng công an xã, thị trấn.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH Võ Trọng Việt cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với dự thảo Luật nhưng cũng có ý kiến cho rằng chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy không chỉ là bố trí lực lượng mà cần quan tâm đầu tư xây dựng chính quy về nhiều mặt như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang bị và chế độ, chính sách… “Đây là nội dung mới, có sự thay đổi căn bản so với quy định của pháp luật hiện hành, do đó, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp làm căn cứ để giao Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy”, ông Việt nói.
Phải rõ lộ trình chính quy hóa công an xã
Cho ý kiến tại tổ chiều 7/6, ĐB Lê Thành Long- Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Đoàn Kiên Giang) cho rằng vấn đề cơ bản nhất sau khi dự thảo Luật được QH thông qua là sắp xếp lại lực lượng công an xã. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 18 của dự thảo Luật quy định: “Chính phủ xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy” là rất chung, chưa đủ các nội hàm để sau này tổ chức thực hiện. “Cần phải có quy định về chuyển tiếp trong dự thảo luật, trong đó nói về lộ trình chính quy hóa công an xã”, ĐB Long nói.
Phân tích thêm về nội dung này, ông Long cho biết, khoản 3 Điều 47 của dự thảo Luật bãi bỏ điểm a khoản 3 Điều 61 của của Luật Cán bộ công chức, theo đó quy định công an xã là công chức cấp xã. Theo ĐB Long, trong giai đoạn từng bước chính quy hóa lực lượng công an xã sẽ có một số được chuyển đổi, chứ không chuyển đổi được hết. “Số còn lại chắc vẫn phải duy trì theo mô hình là công chức hay như thế nào đó. Do đó, theo tôi không nên bãi bỏ ngay lập tức như thế này mà cần tính toán cẩn thận, đặc biệt là quy định chuyển tiếp đối với bộ phận sau này không sắp xếp được, không chính quy được”, ông Long đề xuất.
Đồng quan điểm, ĐB Hồ Văn Thái (Đoàn Kiên Giang) cho rằng cần đánh giá bao quát, toàn diện tác động của dự thảo Luật trong hệ thống của toàn ngành Công an, đặc biệt là với lực lượng công an xã. “8.516 xã khi được bố trí công an chính quy thì bình quân mỗi xã giảm khoảng 3 đến 4 nhân viên, tức cũng khoảng hơn hai mươi ngàn người. Điều này tác động lớn đến hệ thống chính trị, đến các chính sách và các lực lượng có liên quan trong công tác phối hợp. Do đó, cần đánh giá sâu thêm”, ĐB đề nghị. Theo ĐB Thái, việc xây dựng công an chính quy là cần thiết nhưng cần cẩn trọng, cân nhắc, có thể là xây dựng theo từng bước. Bên cạnh đó, ĐB Thái cũng nhất trí cho rằng trong dự thảo cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của công an xã vì báo cáo tổng kết luật Công an nhân dân năm 2014 đã chỉ ra những khó khăn, bất cập của việc công an xã không phải lực lượng chính quy.
ĐB Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng) thì cho rằng Luật Công an nhân dân phải bao quát nhiều mặt liên quan đến công an như đạo đức, văn hóa, tác phong nghề nghiệp. “Đây là đội ngũ tiếp cận với dân nhiều nhất nên với những câu chuyện trong xã hội giữa công an với người dân vừa qua thì phải có những quy định để tránh, khắc phục và xử lý những vi phạm của ngành nghề này. Luật cần bao chứa rộng hơn chứ không chỉ công tác tổ chức”, ĐB nói.
Cân nhắc quy định bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh
Cho ý kiến về dự thảo Luật, ĐB Hồ Văn Thái cũng đề nghị xem lại quy định giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại là đơn vị hành chính loại 1 có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì các văn bản của Đảng không quy định các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là đơn vị loại 1. “Bên cạnh đó, Luật Sỹ quan nhân dân cũng không có đơn vị hành chính loại 1, trừ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh được là cấp tướng còn lại tất cả các thành phố, tỉnh còn lại không được. Cần thực hiện theo đúng thông báo số 147 của Bộ Chính trị khóa 11 và Thông báo 181 của Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII, không nên quy định như vậy”, ĐB Thái nói.