Cần có quy định chặt chẽ hơn về doanh nghiệp xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Doanh nghiệp xã hội là mô hình giao thoa giữa doanh nghiệp thông thường và tổ chức xã hội phi lợi nhuận nên có vai trò và cơ chế hoạt động đặc thù.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì doanh nghiệp xã hội (DNXH) là doanh nghiệp (DN) được đăng ký thành lập theo quy định của Luật DN, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. DNXH sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Hiện nay, DNXH tiếp tục được quy định rõ hơn về trách nhiệm đóng thuế trong Luật DN 2020 và Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ. Cụ thể: DNXH là DN thành lập hợp pháp và hoạt động theo quy định của Luật DN 2020 với mục đích vì cộng đồng, xã hội và trích 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Thứ nhất, xét về bản chất, DNXH hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà DN đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường, vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, Luật DN năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn luật (như Nghị định 96/2015/NĐ-CP, Nghị định 47/2021/NĐ-CP…) đều không có quy định nào giải thích cụ thể thế nào là “giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng” hay “mục tiêu hoạt động” của DNXH. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định đâu là DN thông thường và đâu là DNXH.

Thứ hai, DNXH là pháp nhân thương mại hay pháp nhân phi thương mại? Hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng về nội dung này. Tại Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Tuy nhiên, theo Luật DN năm 2020 thì DN được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Rõ ràng hai quy định nêu trên không có sự phù hợp và thống nhất; DNXH cũng là DN nên cũng phải hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bên cạnh mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường. Đối chiếu tiêu chí về DNXH thì loại hình doanh nghiệp này cũng không thể được coi là pháp nhân phi thương mại.

Thứ ba, theo quy định của Luật DN năm 2020, DNXH có mục tiêu, địa bàn hoạt động xã hội không hạn chế. Như vậy, DNXH có thể hoạt động trong những địa bàn như: dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, địa bàn biên giới,… và những lĩnh vực như: người yếu thế, vấn đề giáo dục đạo đức cho giới trẻ... Trong khi đó, các quy định về công tác quản lý nhà nước với DNXH chưa được quy định cụ thể trong Luật DN năm 2020. Đáng chú ý, trong Nghị định 47/2021/NĐ-CP đã bỏ đi quy định về theo dõi, giám sát hoạt động của DNXH (nội dung này được quy định tại Điều 11 Nghị định 96/2015/NĐ-CP). Đồng thời, cũng không còn quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả tác động xã hội và lĩnh vực, địa bàn thực hiện cam kết xã hội của DNXH.

Thứ tư, DNXH được phép việc tiếp nhận viện trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động xã hội và chỉ phải báo cáo kết quả sử dụng nguồn tài trợ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ tỉnh nơi có trụ sở để kiểm tra, giám sát. Thực tế, có thể xuất hiện những trường hợp DNXH cam kết và thực hiện các “lợi ích công cộng chung” một cách giả tạo, vụ lợi và việc tiếp nhận tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm mục đích tiến hành các hoạt động phức tạp. Do đó, với quy định chưa được chặt chẽ nêu trên thì các cơ quan quản lý nhà nước khó có cơ chế kiểm soát, quản lý vấn đề này.

Loại hình DNXH còn mới ở nước ta, tuy nhiên đến nay có một số DNXH được nhiều người biết đến như Koto, Hoa ban +, Tò he, Hoa sữa, Blink-Link, Kymviet, SFORA, Hanoi Creative City, Zó project… DNXH là mô hình giao thoa giữa doanh nghiệp thông thường và tổ chức xã hội phi lợi nhuận nên có vai trò và cơ chế hoạt động đặc thù. Do đó, khuôn khổ pháp lý quy định về DNXH tại Việt Nam càng phải chặt chẽ. Từ đó vừa tạo điều kiện thuận lợi DNXH phát triển tại Việt Nam, vừa đảm bảo được công tác phối hợp và quản lý nhà nước đối với DNXH.

Luật gia Chu Minh Đức

Đọc thêm