Cần coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (27/8), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp Thường trực mở rộng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Cần coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với dự án Luật Điện ảnh, cần nhìn nhận điện ảnh ở cả hai góc độ là một loại hình nghệ thuật, đồng thời là một phần của ngành công nghiệp văn hóa.

Trong đó, ở góc độ là một loại hình nghệ thuật, cần bảo đảm các yêu cầu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ở góc độ điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Mẫn nêu rõ, Luật Điện ảnh khi ban hành phải phục vụ tốt yêu cầu tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng.

Ông Mẫn cũng lưu ý yêu cầu xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh trong nước; xem xét các quy định về điện ảnh trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp, làm thay đổi thị hiếu người xem.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển điện ảnh, xây dựng hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển điện ảnh; các quy định về sở hữu trí tuệ và quảng cáo trong tác phẩm điện ảnh.

Ông Mẫn nêu rõ, với những vấn đề đã rõ, có tính ổn định cao, cần quy định rõ, chi tiết tại dự thảo Luật để thực hiện; cụ thể hóa tối đa các quy định, đưa vào dự thảo Luật những nội dung ở các văn bản dưới luật đã được kiểm chứng, có tính ổn định cao và chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề có tính linh hoạt, nhiều biến động trong thực tiễn.

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập. Do đó, Luật cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách lớn của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư; khắc phục một số quy định của Luật không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ, được quy định tại các Luật chuyên ngành khác; khắc phục những quy định không thể hiện được tính đặc thù của điện ảnh; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh…

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nhấn mạnh, các chính sách đề xuất mới cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ; các quy định phải bảo đảm nguyên tắc quan trọng là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân, cộng đồng đã được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường điện ảnh; đổi mới hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng thông thoáng, cởi mở; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển công nghiệp điện ảnh.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ sự điều chỉnh của Luật với “tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biển phim xuyên biên giới có máy chủ đặt tại nước ngoài”. Hiện nhiều dịch vụ xem phim trên nền tảng internet xuyên biên giới có máy chủ đặt tại nước ngoài đang thu hút số lượng lớn khán giả Việt Nam chấp nhận trả phí đề xem nội dung, trong đó, không ít dịch vụ vi phạm pháp luật về điện ảnh, nội dung, bản quyền, thuế... Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ phát hành phim được nêu trong dự thảo.

Đọc thêm