[links()]Sau khi Báo PLVN đăng bài báo trên, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng: Đừng vì thừa nhận có nhiều lỏng lẻo và điều kiện quá dễ dàng khi làm thủ tục xác nhận bệnh, tật cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), mà đề nghị tạm dừng tiếp nhận hồ sơ của những đối tượng chính sách liên quan.
Quy trình chặt
Theo Thông tư 08/2009/BLĐTBXH, trước khi hồ sơ được chuyển tới Phòng LĐTBXH, UBND cấp xã phải xác nhận các yếu tố trong bản khai cá nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH hoặc thân nhân của họ về tình trạng bệnh tật và sức khoẻ hiện tại của người hoạt động kháng chiến trên cơ sở ý kiến của y tế cấp xã; các dị dạng, dị tật cụ thể và khả năng tự lực trong sinh hoạt của con đẻ người hoạt động kháng chiến trên cơ sở ý kiến của y tế cấp xã và đề nghị mức hưởng trợ cấp…
Trong phạm vi chức trách của mình, Phòng LĐTBXH phải kiểm tra, lập danh sách những người bị mắc bệnh, tật quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế và báo cáo về Sở LĐTBXH, trình UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đối với người đủ điều kiện. Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên kết luận mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học/dioxin theo Quyết định 09/2008/QĐ-BYT và xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động đối với các trường hợp khác. Sở LĐTBXH căn cứ hồ sơ đang quản lý để chứng nhận tình trạng thương tật, bệnh tật ở cột sống mà bị liệt hai chi dưới...
Tiếp đó, Sở LĐTBXH giới thiệu đối tượng đến Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kết luận tình trạng bệnh, tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Sau khi trải qua các bước kiểm tra và hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ trên thì Sở LĐTBXH mới quyết định trợ cấp và lập phiếu trợ cấp.
Có thể thấy, để được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH phải có rất nhiều loại giấy tờ liên quan đến bệnh tật của họ. Đương nhiên, nếu không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận thì những loại giấy tờ này không có giá trị.
Đổ lỗi cho đối tượng chính sách?
Cục Người có công cho rằng: “Xét về mặt thực tiễn xã hội, danh mục bệnh, tật ở đây (ý nói Quyết định 09 của Bộ Y tế-PV) do nhiều nguyên nhân khác chứ không chỉ có nguyên nhân do ảnh hưởng của chất độ hóa học. Ví dụ như bệnh ung thư, nhiều người không bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin vẫn bị mắc bệnh này. Tật gai sống chẻ đôi hầu hết nhiều người Việt Nam mắc phải. Bệnh đái tháo đường tuyp 2 ở Việt Nam có gần 10 triệu người. Dị dạng, dị tật ở Việt Nam có trên 10 triệu người….”.
Nói như vậy là không có trách nhiệm. Bởi theo Quyết định 09/2008/QĐ-BYT, điều kiện, tiêu chuẩn để người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH là dựa trên tiêu chí bệnh tật của 17 nhóm bệnh. Dù 17 nhóm bệnh này có hàng trăm loại bệnh, phạm vi rất rộng (như nhận xét của Cục Người có công) thì các cơ quan chức năng khi xác nhận cứ chiếu theo quy định của pháp luật mà làm.
Có nghĩa là, những người mắc bệnh ung thư, bệnh đái tháo đường, bệnh rối loạn tâm thần hay tật gai sống chẻ đôi…nhưng nếu họ không tham gia kháng chiến và cũng không bị ảnh hưởng của CĐHH/dioxin thì đương nhiên không được xác nhận. Ngược lại, những người tham gia kháng chiến mà bị mắc các loại bệnh, tật đó và nguyên nhân gây nên các bệnh, tật này là do bị nhiễm CĐHH/dioxin thì phải xác nhận để họ hưởng chế độ. Quá trình thực hiện, có thể sẽ có nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để làm giả hồ sơ, tài liệu để hưởng lợi. Việc làm này là vi phạm pháp luật, người làm giả hồ sơ và cơ quan tiếp tay cho sai phạm phải bị xử lý nghiêm khắc.
Công văn 546/NCC của Cục Người có công thừa nhận có tình trạng các cơ sở y tế cấp chứng từ, bệnh án tràn lan; Hội đồng giám định y khoa giám định sai quy trình thủ tục, chuyên môn kết luận sai; các Sở LĐTBXH chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xác nhận do Bộ LĐTBXH hướng dẫn…Nhưng Cục Người có công không nói đến việc xử lý những sai phạm trên như thế nào? Đã có bao nhiêu cơ sở, đơn vị có sai phạm trong việc xác nhận hồ sơ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH bị xử lý?
Tại sao với những điều kiện chưa chặt chẽ tại các Quyết định, Thông tư, thậm chí cả những sai phạm, thiếu sót của các cán bộ, cơ quan liên quan khi chưa được xử lý triệt để lại đổ hậu quả lên đầu những người đi làm hồ sơ hưởng chế độ? Có phải vì để dân chờ đợi còn hơn cấp trợ cấp nhầm đối tượng?.
Nếu Cục Người có công cho rằng, vì danh mục bệnh, tật quá rộng, điều kiện quá dễ dàng, lỏng lẻo thì Cục này phải có văn bản đề nghị Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH chỉnh sửa hoặc bổ sung các quy định tại các văn bản đã ban hành cho chặt chẽ hơn. Không thể có chuyện vì thiếu sót của cơ quan ban hành văn bản, vì lỗi của các cơ quan, đơn vị khi xác nhận mà bắt người dân phải gánh hậy quả này.
Được biết, Quyết định 09/2008/QĐ-BYT có hiệu lực từ tháng 3/2008; Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ tháng 5/2009. Tuy nhiên, Văn bản số 546/NCC ngày 08/7/2010 của Cục Người có công lại yêu cầu Sở LĐTBXH các địa phương chỉ tiếp nhận các hồ sơ có chứng từ trước ngày 20/2/2008. Vô hình chung, văn bản của Cục có quyền làm chậm hiệu lực của các Quyết định và Thông tư của Bộ? Việc làm này có đúng pháp luật?.
Đành rằng, việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công phải công bằng, đảm bảo đúng đối tượng. Nhưng công bằng không đồng nghĩa với việc tạm dừng giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách. Hướng dẫn của Cục Người có công tại văn bản số 546/NCC đã cho thấy việc làm thiếu trách nhiệm, có phần lúng túng của các cơ quan chức năng khi giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách./.
Nguyễn Thị Anh Thư