"Cần công bằng với các loại hình đào tạo"

Hôm qua (4/11), thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH), trước thực trạng một số địa phương đang “đóng cửa” với sinh viên dân lập, nhiều đại biểu đề nghị cần có cái nhìn thật công bằng với loại hình đào tạo này...
Hôm qua (4/11), thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH), trước thực trạng một số địa phương đang “đóng cửa” với sinh viên dân lập, nhiều đại biểu đề nghị cần có cái nhìn thật công bằng với loại hình đào tạo này.

Nhắc lại câu chuyện Nam Định và Đà Nẵng nói không với sinh viên dân lập, ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) cho rằng, luật này ra đời sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các trường ĐH. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về giảng viên cơ hữu, theo hướng ít nhất 2/3 giảng viên là của chính ĐH đó, còn 1/3 mời bên ngoài. ĐB Đặng Thành Tâm (Tp. HCM) tỏ ý chưa bằng lòng vì “ĐH tư thục bây giờ nhiều mà dự luật không thấy có chương nào quy định về ĐH tư thục. Cần bổ sung ngay một chương về vấn đề này để phù hợp mục tiêu xã hội hóa giáo dục ĐH”.
Ảnh minh họa.
ĐB Huỳnh Thành Đạt nhất trí cao việc phải ban hành luật. Cho rằng, dự án Luật đã giải quyết cơ bản được một số vấn đề về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng ông Đạt vẫn cho rằng với ĐH tư thục thì chưa giải quyết được. “Chính phủ cần siết chặt hơn nữa việc thành lập trường cũng như quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ nên giao cho một số trường ĐH mạnh, đủ sức và câu chuyện này “cần thí điểm”, ông Đạt nói. ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) thì cho rằng không nên nhất thiết Hiệu trưởng trưởng phải là Chủ tịch Hội đồng trường để tạo sự dân chủ.

Thẩm tra dự án Luật GDĐH, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng Dự thảo Luật chưa đưa ra được cơ chế hữu hiệu để khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận hình thành và phát triển.  Ủy ban đề nghị bổ sung thêm chính sách, cơ chế phù hợp về thuế, đất đai xây dựng trường, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ đào tạo cán bộ, giảng viên,… nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH hoạt động phi lợi nhuận và định hướng, điều chỉnh hoạt động của các cơ sở GDĐH vì lợi nhuận hợp lý nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục.. Đồng thời, cũng cần quy định các khoản hiến tặng của tổ chức và cá nhân cho các cơ sở GDĐH công lập hoặc các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận thì được miễn thuế.

Phải có người chịu trách nhiệm về quảng cáo sai

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quảng cáo, nhiều ĐB bày tỏ sự lo lắng với nhiều quy định “thiếu tính khả thi” của dự án luật, chẳng hạn như một số hành vi bị nghiêm cấm có cấm được không, hay chuyện quảng cáo chỉ được giới hạn trong 25% diện tích màn hình trên báo điện tử.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị làm rõ căn cứ của quy định nói trên. Cũng theo ĐB này “Nếu quảng cáo những sản phẩm có hại cho sức khỏe, sai sự thật thì phải xem xét ai là người chịu trách nhiệm? Người sản xuất ra sản phẩm quảng cáo, cơ quan cấp phép hay người phát hành quảng cáo (cơ quan truyền thông)?”. ĐB Tiến cũng đề nghị bổ sung quy định về quảng cáo thành đoàn người trên các tuyến phố. Theo ông, doanh nghiệp muốn quảng cáo phải thông báo cho chính quyền địa phương để họ có biện pháp đảm bảo trật tự giao thông, cần quy định rõ về thời gian quảng cáo, tuyến phố đuợc phép quảng cáo và quảng cáo phải đảm bảo thuần phong mỹ tục, hạn chế và tiến tới cấm quảng cáo trên các tuyến phố vào giờ cao điểm tránh ùn tắc giao thông.

ĐB Hoàng Hữu Phước (Tp. HCM) cho rằng, dự thảo có nhiều quy định cấm chưa phù hợp hoặc mâu thuẫn và cần quy định rõ “phương tiện quảng cáo khác” là gì.

Dự thảo Luật Quảng cáo và Luật GDĐH sẽ được thảo luận tại hội trường vào ngày 14/11 tới đây.

Thu Hằng

Đọc thêm