Cần công tâm khi xử vụ tranh chấp nhà 99 Trịnh Phong, Nha Trang

Bà Trần Thị Kim Liên, ở số 99 Trịnh Phong, P.Tân Lập, TP.Nha Trang khiếu nại việc 11 người trong gia đình bà có nguy cơ bị đẩy ra đường bởi một phán quyết thiếu “khách quan” của Tòa cấp sơ thẩm bởi ngôi nhà gia đình bà ở ổn định, không tranh chấp từ 40 năm nay, bỗng nhiên có Việt kiều về nhận nhà của mình.

Bà Trần Thị Kim Liên, ở số 99 Trịnh Phong, P.Tân Lập, TP.Nha Trang khiếu nại việc 11 người trong gia đình bà có nguy cơ bị đẩy ra đường bởi một phán quyết thiếu “khách quan” của Tòa cấp sơ thẩm bởi ngôi nhà gia đình bà ở ổn định, không tranh chấp từ 40 năm nay, bỗng nhiên có Việt kiều về nhận nhà của mình.

Nhà 99 Trịnh Phong.

Ở ổn định 40 năm, không tranh chấp

Theo đơn, gia đình bà Liên có mảnh đất ở ổn định, lâu dài tại số 99 Trịnh Phong rộng 402,3m2; được nhận chuyển nhượng từ năm 1971 và được UBND P.Tân Lập xác nhận nguồn gốc sử dụng đất. Trước khi xảy ra vụ kiện, chính quyền phường vẫn xác nhận mảnh đất không tranh chấp và phù hợp quy hoạch.

Nhưng gia đình bà Liên gồm 11 người sững sờ khi nhận được tin bà Trần Thị Mại (Việt kiều Canada mới về nước) khởi kiện ra TAND tỉnh Khánh Hòa đòi ngôi nhà gia đình bà đang ở. “Sau phiên tòa xét xử vào ngày 15, 16/11/2011, gia đình tôi già trẻ hầu như suy sụp tinh thần vì đứng trước nguy cơ bị đẩy ra đường” - bà Liên cho biết.

Qua tìm hiểu, ngày 10/12/2010 Chủ tịch UBND phường Tân Lập đã xác nhận hộ bà Liên ở ổn định từ năm 1971, không tranh chấp và đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đủ điều kiện được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) theo Luật Đất đai hiện nay. Ngoài xác nhận kể trên, các tài liệu chứng minh như đợt tổng kiểm kê nhà đất trên toàn quốc năm 1977 và 1984 do bà Liên và chồng đứng tên kê khai và đã trực tiếp làm nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ theo quy định của Nhà nước vẫn được lưu giữ.

Rõ ràng hơn, trường hợp của gia đình bà còn được thể hiện trong Danh sách công khai các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy GCN, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số 13670/DSTB-VPĐK của Văn phòng Đăng ký cấp giấy GCN, Phòng Tài nguyên & Môi trường TP.Nha Trang)

Bản án hoài nghi?

Được biết, căn cứ mà bà Mại đưa ra và cũng là chứng cứ để Tòa xét xử là những tài liệu có từ năm 1968: Giấy viết tay nhượng nhà và đất số 99 phố Trịnh Phong từ ông Trần In cho bà Mại và chồng là ông Trần Hưng Bá. Song vào thời điểm đó, ngôi nhà này của ông Trần In được cấp để ở chứ không có quyền mua, bán. Hơn nữa, với chính sách cải tạo nhà đất năm 1975, mảnh đất nói trên cũng thuộc diện thu hồi.

Tại Giấy nhượng quyền tư hữu lập năm 1968, ông In và vợ đã lập Giấy nhượng quyền tư hữu: Xin thỏa thuận nhượng ngôi nhà trên thửa đất 272 Bis tọa lạc tại Khu xóm mới Nha Trang cho người em ruột là bà Trần Thị Mại và ông Trần Hưng Bá (chồng bà Mại). Kể từ ngày ký giấy tờ, ông Bá và bà Mại được quyền sở hữu ngôi nhà nói trên. Tuy nhiên, Giấy nhượng quyền tư hữu trên chỉ có ông In và bà Thanh (vợ ông In) ký xác nhận còn người được nhượng quyền tư hữu là ông Bá và bà Mại lại không ký. Hơn nữa, tại tòa những giấy tờ trên chỉ là bản photo chứ không thấy bản gốc.

Với chứng cứ trên, không hiểu vì sao tại Bản án sơ thẩm số 01/2011 TAND tỉnh Khánh Hòa vẫn thừa nhận yêu cầu của nguyên đơn?

Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng - cho biết: Dù mảnh đất 99 Trịnh Phong có nguồn gốc là của ông Trần In (chế độ cũ) thì sau năm 1975 theo chính sách cải tạo nhà đất của nước ta thì nhà đất kể trên cũng không còn thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông In. “Trường hợp này là nhà đất vắng chủ. Nhà nước khôngthừa nhận và không giải quyết trường hợp đòi nhà thuộc diện chế độ cũ” - Luật sư Hướng nói.

Cũng theo Luật sư Hướng: Nghị quyết số 58 của Quốc hội cũng nêu rõ: Trường hợp trước khi đi vắng, chủ sở hữu nhà ở đã có ủy quyền quản lý hợp pháp và thời hạn ủy quyền đã hết trước ngày 01/7/1996, thì giải quyết như sau: Nếu chủ sở hữu có yêu cầu lấy lại nhà trước ngày 01/7/1996, thì nhà ở đó được trả lại cho chủ sở hữu; nếu chủ sở hữu đã chết, thì công nhận quyền sở hữu cho những người thừa kế;

Nếu chủ sở hữu không có yêu cầu lấy lại nhà trước ngày 01/7/1996 hoặc đã chết và trước khi chết không có yêu cầu lấy lại nhà, thì công nhận quyền sở hữu cho bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản lý, sử dụng nhà ở đó; Nếu không có những người được quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản này, thì công nhận quyền sở hữu nhà ở đó cho người đang quản lý, sử dụng liên tục nhà ở đó từ 30 năm trở lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý, sử dụng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

Thiết nghĩ, nội dung vụ án cần được xem xét một cách thấu tình, đạt lý và đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của đương sự.

P.V.

Đọc thêm