Cần đặt quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu

(PLVN) -Chiều 30/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội đồng nghiệm thu chính thức Đề tài khoa học cấp Bộ “Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em: Kinh nghiệm quốc tế về gia nhập, thực thi và các đề xuất đối với Việt Nam”.

Tại buổi nghiệm thu, ông Bạch Quốc An Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Theo đó, quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng trên các lĩnh vực đã dẫn đến các mối quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các chủ thể có quốc tịch khác nhau ngày càng gia tăng. Trong xu hướng chung đó, tình trạng kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cũng gia tăng, việc đưa trẻ em từ nước này sang nước khác, việc cô dâu Việt Nam đưa trẻ em về nước mà không có các giấy tờ cũng diễn ra phổ biến... 

 

Vì vậy, đề tài đã tập trung làm rõ khái niệm “bắt cóc” theo khía cạnh dân sự của Công ước La Hay; trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên trong giải quyết yêu cầu trả lại trẻ em; tham khảo kinh nghiệm các nước... Từ đó có những rà soát, đối chiếu để đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam theo hướng: xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ quy định về việc thực hiện Công ước La Hay liên quan đến bắt cóc trẻ em hoặc sửa các quy định pháp luật liên quan như Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình...

 Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nêu lên một số đề xuất, kiến nghị khác như: tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của Công ước La Hay 1980; chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán chuyên trách am hiểu trong lĩnh vực này; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu để xác định rõ các yêu tố pháp lý đối với các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài hoặc có yêu cầu trả lại con...

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đã làm sáng tỏ được nội dung cốt lõi của Công ước về hành vi bắt cóc trẻ em dưới khía cạnh dân sự, tạo nền tảng soi chiếu để đưa ra khuyến nghị Việt Nam có nên tham gia Công ước hay không, nếu có thì gia nhập vào thời điểm nào là phù hợp? Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng góp ý cụ thể về một số vấn đề như: tên của Công ước, theo đó cần phân biệt được việc “bắt cóc” và giữ, không trao trả, di chuyển trái phép trẻ em; cơ cấu của đề tài; làm rõ hơn phần cơ sở lý luận chung, trong đó cần làm nổi bật được đặc thù của Công ước...

 

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em từ đó lý giải việc cần thiết hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. 

 

Đồng thời cần đánh giá được tác động tới các cơ quan quản lý nhà nước, với người dân, cụ thể là với cha mẹ của đứa trẻ để dự báo được số lượng yêu cầu giải quyết vấn đề giữ, di chuyển trẻ em gửi đến Việt Nam nhiều hơn hay từ Việt Nam gửi đi nước ngoài nhiều hơn. Đối với kiến nghị mà nhóm nghiên cứu đề ra, Thứ trưởng lưu ý cần nêu rõ Việt Nam có cần thiết tham gia Công ước LaHay không, nếu có thì điều kiện cần và đủ là gì và thời điểm phù hợp để gia nhập. 

Đọc thêm