Hơn 500 đại biểu là lãnh đạo tỉnh và đại diện các cơ quan báo chí đã tham dự Hội nghị.
Hơn 5.000 hội viên không đủ chuẩn cấp, đổi thẻ
2017 là năm đầu tiên các cấp Hội triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Báo cáo của Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Nếu như năm 2015 cả nước có 840 cơ quan báo chí với đủ 4 loại hình thì năm 2017 riêng báo, tạp chí in đã là 849 (185 tờ báo, 664 tạp chí); 195 báo điện tử chuyên biệt và 178 trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí in, cơ quan phát thanh truyền hình; 67 đài PTTH của Trung ương và địa phương với 281 kênh truyền hình được cấp phép.
Cũng từ năm 2015, mạng xã hội phát triển cực mạnh, số người tham gia cực lớn, chi phối thông tin, giới báo chí chịu thêm áp lực cạnh tranh thông tin quyết liệt. Cơ quan báo chí muốn tồn tại phải tìm hướng đi bằng đa phương tiện. Kinh tế báo chí được coi trọng, phần lớn cơ quan báo chí tự lo kinh phí hoạt động qua thu quảng cáo và hỗ trợ xuất bản, từ đó cũng phát sinh vấn đề liên quan đến đạo đức và uy tín nghề nghiệp. Năm 2017, doanh thu qua hoạt động báo chí đạt 13.000 tỷ đồng.
Xác định công tác cấp đổi thẻ gắn với việc rà soát thực trạng hoạt động của các tổ chức Hội và đội ngũ hội viên, đến cuối tháng 11/2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thành việc đổi Thẻ hội viên nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho 19.233 hội viên, sàng lọc hơn 5.000 trường hợp không đủ tiêu chuẩn cấp đổi thẻ.
Đây cũng là năm đánh dấu số lượng hội viên gia nhập Hội cao nhất từ trước đến nay với 3.189 hội viên. Trong năm thành lập mới 12 Chi hội, tiến hành xóa tên 366 hội viên, 3 trường hợp khai trừ. Như vậy, tính đến thời điểm này, Hội Nhà báo Việt Nam có 287 đơn vị cấp Hội trực thuộc Trung ương Hội, bao gồm: 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 18 Liên Chi hội và 206 Chi hội với 22.801 hội viên.
Một điểm mới được ghi nhận trong hoạt động của Hội Nhà báo là việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nhằm bảo đảm việc giám sát, bênh vực quyền lợi chính đáng, hợp pháp cũng như xử lý sai phạm của nhà báo, hội viên công bằng, khách quan. Hiện đã có Hội đồng cấp Trung ương và Hội đồng ở 245/287 Hội, Liên chi hội, Chi hội.
Hạn chế tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự đóng góp hiệu quả của giới báo chí và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.
Đặc biệt, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, việc Hội Nhà báo Việt Nam đưa vào sử dụng ứng dụng theo dõi việc gỡ, sửa bài trên báo điện tử đã góp phần quản lý báo chí hiệu quả, ngăn chặn dần tình trạng “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của các cơ quan báo chí trong thời gian qua… Tất cả những biện pháp đó đã tạo chuyển biến mới trong hoạt động của Hội Nhà báo, góp phần tích cực chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí, khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân.
“Tôi cho rằng, đây là một nỗ lực, tiến bộ rất lớn, giúp những người làm báo chân chính được củng cố thêm niềm tin; như được tiếp thêm sức mạnh để cống hiến thêm cho sự nghiệp của mình. Và đây là một đóng góp tích cực của Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2017”, ông Thưởng nhận định.
Ông Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí và Hội Nhà báo vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Đó là một số cơ quan báo chí thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Có một số người cầm bút có biểu hiện suy thoái, có những bài báo không mang tính dẫn dắt dư luận mà đôi khi có tác dụng xấu…
Nhất là trước sự phát triển của các phương tiện thông tin mạng xã hội, internet, các nhà báo có điều kiện để tác nghiệp thuận lợi hơn nhưng mặt trái của nó là tạo điều kiện cho những nhà báo lao động không nghiêm túc, hời hợt trong tác nghiệp xào xáo tin bài của nhau. Có những cây bút không bắt nguồn từ sứ mệnh của những người làm báo mà vì tiền, vì lợi, vì danh, vì sự tác động của lợi ích nhóm dẫn đến tha hóa. “Đây là vấn đề chúng ta cần khắc phục đẩy lùi trong thời gian tới”- ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.