Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp... Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.
Sau Ấn Độ, thì UAE dừng xuất khẩu gạo. Nga cũng chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (thiên tai, hạn hán...) gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang “nóng lên” không ngừng. Trên toàn cầu có hơn 3,5 tỷ dân coi gạo là lương thực chính, có nghĩa là an ninh lương thực thế giới đang có những mối lo mới.
Nhiều ý kiến nhận định đây là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đúng thật, chưa bao giờ gạo Việt Nam cao giá như hiện nay. Theo Bộ NN&PTNT, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu người dân, chế biến, làm giống và thức ăn chăn nuôi, năm 2023 hoàn toàn bảo đảm việc xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo. Đây có lẽ là con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lớn, có nỗi lo thường trực về thời tiết khí hậu cực đoan, đã xuất hiện đầu cơ, trục lợi, mất cân đối cung - cầu cục bộ.
Tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo, do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND Cần Thơ tổ chức hôm 4/8, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước còn rất lớn. Tuy nhiên, Hiệp hội khuyến cáo cần nhận định sát tình hình, hạn chế những rủi ro của thị trường xuất khẩu.
Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Văn bản yêu cầu nêu nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Bảo đảm mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm; Chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo; Kịp thời hỗ trợ người sản xuất và các thương nhân; Xử lý nghiêm hành vi trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao.
Tất cả nhằm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường và uy tín của hạt gạo Việt Nam.