Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Hội thảo được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, tiếp nối Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Hội nghị triển khai Kết luận 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu rõ rệt.
Nổi bật là, hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội, chất lượng không ngừng được nâng lên; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một nội dung trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Đã có ngày càng nhiều hơn các luật bảo đảm tính thực thi ngay trong luật – một yêu cầu đặt ra trong xây dựng pháp luật hiện đại, chuyên nghiệp; tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao, được quán triệt sâu sắc trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật.
Kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật được nâng lên. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều vụ việc làm sai, làm trái pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, mang lại hiệu quả răn đe, cảnh tỉnh lớn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Những điều này đã được nhấn mạnh trong các báo cáo nghiên cứu, tổng kết, các văn kiện Đại hội của Đảng, nhất là trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Như: Hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, chồng chéo; chất lượng của một số luật đã ban hành còn thấp; vẫn còn tồn tại việc ban hành pháp lệnh hoặc nhiều nội dung phải quy định bằng luật mà vẫn phải uỷ quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định hoặc các bộ ban hành thông tư; các khâu của quá trình xây dựng, ban hành pháp luật chưa đồng bộ, tính phù hợp chưa cao; việc lấy ý kiến nhân dân vẫn còn hạn chế…
Về tổ chức thi hành pháp luật, đây vẫn bị xem là khâu yếu, tồn tại dai dẳng qua nhiều nhiệm kỳ, chưa khắc phục được. Thực trạng chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi còn bị xem nhẹ; xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên thì xử lý quyết liệt, dưới thì xuê xoa, dĩ hoà vi quý.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Để Hội thảo mang lại giá trị khoa học và thực tiễn cao, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, bám sát những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn tới. Về chủ trương, tập trung vào hai đột phá quan trọng: tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là các nguồn lực đất đai, tài chính, con người; tạo đột phá phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi chủ thể xã hội, mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Về mục tiêu, xây dựng được hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Về những định hướng, giải pháp lớn, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí cũng đề nghị các bộ, ban, ngành bám sát bối cảnh, thực tiễn thay đổi nhanh chóng của thế giới, khu vực và đất nước, đặc biệt là vấn đề đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế; cần có sự đánh giá khách quan, cụ thể thực trạng hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ tin tưởng Hội thảo sẽ mang lại những kết quả thiết thực, hữu ích góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật – một nội dung rất quan trọng của xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.