Cần "gói hỗ trợ niềm tin" cho thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam cần "nắn dòng" theo kiểu khơi thông chứ không phải bóp nghẹt, cần có tầm nhìn của nền kinh tế quốc dân chứ không phải một ngành riêng lẻ.
TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Tại hội thảo Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam", TS Vũ Tiến Lộc đã thành thật bộc bạch: "Tôi thấy trong suốt những ngày qua, khi nói về thị trường bất động sản, nguồn cung vốn bất động sản, chúng ta hay nhắc tới những từ ngữ như “quản lý”, “siết lại”, “điều tiết”… nghe rất đáng sợ." Theo ông, điều cơ quan quản lý cần làm là “khơi thông dòng vốn” cho thị trường.

Ông thừa nhận những mặt trái của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Đó là những chuyện tất yếu nhưng chỉ là một bộ phận của thị trường chứ không phải bức tranh chung. Nhà nước đang thực hiện chương trình phục hồi thị trường bất động sản. Bất cứ cản trở nào gây ra khủng hoảng với thị trường bất động sản cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, những ngành liên đới.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng định hướng chính sách khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản nên xuất phát từ tầm nhìn nền kinh tế quốc dân chứ không phải theo nghĩa hẹp, một ngành riêng lẻ.

Đặc biệt theo ông, vấn đề thị trường bất động sản cần, nhà đầu tư cần không chỉ là vốn, mà còn là "niềm tin".

"Chúng ta đang cố gắng đề ra nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất phải là gói hỗ trợ niềm tin. Không chỉ có giải pháp tiền bạc mà tâm lý xã hội, truyền thông, phát ngôn của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Có thể nói rằng việc chúng ta khơi thông dòng chảy có hiệu quả, an toàn như tôi hay nói là “chảy đi sông ơi”, thì bên cạnh tăng cường số lượng dòng vốn thì “chất lượng” dòng vốn của bất động sản trong khu vực kinh doanh bất động sản cần được quan tâm hàng đầu." - ông nói.

Ông tán thành các ý kiến nhận định thị trường cần phát triển bền vững, an toàn nhưng bối cảnh hiện nay, theo ông không có sự an toàn tuyệt đối mà phải theo phương thức quản trị rủi ro. Nhìn từ quan điểm này sẽ định hướng chúng ta đưa ra biện pháp cụ thể.

Ông đề nghị áp dụng giải pháp “hạ cánh mềm” - tạo điều kiện không bóp nghẹt thị trường. Nếu các gọng kìm cùng siết lại thì thị trường không thể phát triển được. “Nắn dòng chảy” nhưng khơi thông chứ không bóp nghẹt.

Để giải quyết được vấn đề dòng vốn cho thị trường bất động sản theo ông cần sự quan tâm đồng hành của 3 chủ thể: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, liên kết của các doanh nghiệp.

Về quản lý nhà nước: tăng cường quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản, có cơ chế điều tiết phù hợp, sửa đổi các luật liên quan, tăng cường minh bạch thị trường, xây dựng ngay pháp lý bất động sản kiểu mới cùng các thiết chế tài chính phi ngân hàng khác… Tạo điều kiện thúc đẩy, bổ sung và cụ thể hóa các loại hình bất động sản mới. Xếp hạng tín nhiệm, duy trì kỷ luật với các công ty phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, đề cao các chuẩn mực, đề cao trách nhiệm xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao khả năng quản trị, nâng cao tầm vóc.

Các hiệp hội trở thành định chế quan trọng cùng với quản lý nhà nước, nâng cao trình độ doanh nghiệp, nâng cao minh bạch, đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực chuyên môn, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xây dựng nền tảng tư vấn và công khai giao dịch trên nền tảng của hiệp hội. Vai trò của hiệp hội rất quan trọng và cần được đề cao hơn nữa trong thời gian tới.

"Cuối cùng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị xử lý hình sự sẽ khiến cho hệ thống doanh nghiệp rơi vào khó khăn, ảnh hưởng đến nền kinh tế, do đó việc bảo vệ các doanh nghiệp là rất quan trọng. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp bị đổ vỡ, chính phủ của họ còn sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp. Nhà nước ta chưa làm được như thế thì cũng nên có tổ công tác đặc biệt, ngắn hạn giúp trấn an doanh nghiệp, giúp họ tìm ra giải pháp, bảo vệ nhà đầu tư. Chúng ta cần có “bác sĩ doanh nghiệp”, để khi doanh nghiệp ốm đau, sẽ có bác sĩ chữa. Hiệp hội có thể thành lập tổ chức trấn an các doanh nghiệp bất động sản khi gặp khó khăn, để điều chỉnh tái cấu trúc. Việc xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm thì vẫn nghiêm minh còn việc bảo vệ doanh nghiệp vẫn phải bảo vệ." TS Vũ Tiến Lộc đưa ý kiến.

Hội thảo: "Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam" được tổ chức vào chiều ngày 09/5/2022 tại Hà Nội. Hội thảo được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, doReatimes và VIRES tổ chức.

Đọc thêm