Cần hướng dẫn cụ thể thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời

(PLVN) -Biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là biện pháp được Tòa án, Trọng tài quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc đảm bảo việc thi hành án.

Theo quy định tại Điều 111 BLTTDS năm 2015 thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản,thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Ngoài ra Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT trong trường hợp quy định tại Điều 135 của BLTTDS năm 2015. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS, khoản 2 Điều 36 Luật THADS thì trình tự, thủ tục thi hành Quyết định áp dụng BPKCTT được thực hiện theo thủ tục THADS và thuộc diện cơ quan THADS chủ động tổ chức thi hành. Bên cạnh việc thi hành quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án, cơ quan THADS còn tổ chức thi hành quyết định áp dụng BPKCTT của Trọng tài thương mại.

Việc thi hành BPKCTT được quy định tại khoản 2 Điều 36, tại Mục 2 - Chương V, từ Điều 130 đến Điều 133 Luật THADS để hướng dẫn thủ tục thi hành quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cơ quan THADS còn gặp nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành án đối với loại quyết định này.

Thứ nhất, về thời hạn ra quyết định thi hành án, Khoản 2 Điều 36 Luật THADS, cơ quan THADS phải ra ngay quyêt định thi hành án khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Có một số cách hiểu khác nhau về khái niệm “ra ngay” trong trường hợp này. Có quan điểm cho rằng, khi nhận được quyết định áp dụng BPKCTT, Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định thi hành án ngay sau đó, tức là ngay trong ngày hôm đó. Có quan điểm lại cho rằng, chỉ cần ra quyết định thi hành án “ngay khi có thể” chứ không phải máy móc hiểu là “ngay sau đó” hay “ngay trong ngày”. Chính vì có các cách hiểu khác nhau mà đã có trường hợp coq quan THADS để hai, ba ngày sau kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mới ra quyết định thi hành án nên không đảm bảo được tính khẩn cấp của loại quyết định này. Do đó, đối với thời hạn ra quyết định thi hành Quyết định áp dụng BPKCTT, cần hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn này để các cơ quan THADS thống nhất thực hiện.

Thứ hai, về việc xác minh điều kiện thi hành quyết định áp dụng BPKCTT

Điều 44 Luật THADS quy định “ Đối với trường hợp thi hành Quyết định áp dụng BPKCTT thì cần phải tiến hành xác minh ngay”, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có các quy định cụ thể về việc xác minh điều kiện thi hành án đối với việc thi hành quyết định áp dụng BPKCTT nên việc xác minh điều kiện thi hành án vẫn được thực hiện theo trình tự, thủ tục chung. Tuy nhiên, với tính chất riêng “ khẩn cấp, tạm thời” và tính đa dạng của các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng, cần có những quy định cụ thể hơn về xác minh điều kiện thi hành án đối với việc thi hành loại quyết định này. Mặt khác, về thời điểm xác minh “ ngay” ở đây cũng cần phải được quy định cụ thể hơn, cần xác định biện pháp, phương thức xác minh như thế nào, nhanh hay chậm và yêu cầu cụ thể hơn đối với việc xác minh đối với từng loại Quyết định áp dụng BPKCTT.

Thứ ba, về việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế khi thi hành quyết định áp dụng BPKCTT

Theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên (CHV) phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật THADS thì khi tổ chức thi hành quyết định áp dụng BPKCTT, CHV không phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Đây là điểm khác biệt cơ bản về trình tự, thủ tục khi thi hành quyết định áp dụng BPKCTT so với trình tự, thủ tục thi hành các Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật khác.

Tuy nhiên, đối với mỗi loại Quyết định áp dụng BPKCTT, cách thức tổ chức thi hành lại có những điểm đặc thù khác nhau nên cần thiết phải có quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng các quy định pháp luật khi thi hành BPKCTT này nói riêng cũng như các Quyết định áp dụng BPKCTT nói chung.

Đọc thêm