Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2008 đến nay, cả nước có khoảng 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (MGBĐS) và khoảng 80% BĐS giao dịch thành công thông qua môi giới, góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014-2018, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
|
Ảnh minh họa |
Việc cho phép MGBĐS hoạt động với mô hình và quy mô phù hợp sẽ giúp các nhà phát triển BĐS rút ngắn thời gian thu hồi vốn để tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế, người tiêu dùng có cơ hội được phục vụ tốt hơn. Trong thời gian qua, hành lang pháp lý trong lĩnh vực MGBĐS liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý MGBĐS như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ MGBĐS. Chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, bản thân những người làm nghề MGBĐS cũng không coi trọng việc tham gia các khóa đào tạo. Theo các chuyên gia, hệ thống đào tạo, huấn luyện nghề MGBĐS ở Việt Nam còn khá trống. Hầu hết người làm nghề tự mày mò, tự học hỏi…
Vấn đề đạo đức của người làm MGBĐS được nhiều chuyên gia đề cập. Theo đó, người làm MGBĐS lệch chuẩn đạo đức là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng BĐS, lực lượng này cũng sẽ khiến thị trường BĐS thiếu minh bạch, mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến bộ quy tắc đạo đức nghề môi giới do Hiệp hội BĐS ban hành.