Cần làm gì để giữ lại tài sản thế chấp khi hết hạn vay vốn

(PLO) - Vợ chồng ông A vay ngân hàng 3 tỷ để kinh doanh, thế chấp căn nhà. Đến nay chuẩn bị hết hạn cho vay nhưng gia đình không có khả năng thanh toán. Căn nhà có giá trị thị trường có thể lớn hơn 3 tỷ nhưng ông A không muốn bán nhà.

Vậy ông A cần làm gì để giữ lại nhà mà vẫn đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay với ngân hàng, tránh bị thanh lý tài sản thế chấp.

Luật sư Đặng Văn Sơn
Luật sư Đặng Văn Sơn

Theo luật sư Đặng Văn Sơn, trưởng văn phòng luật sư Đặng Sơn và cộng sự, căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 thì việc thế chấp căn nhà cho ngân hàng để bạn vay khoản tiền 03 tỷ đồng là quan hệ thế chấp tài sản được quy định tại Điều 317. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”

Luật sư Sơn tư vấn, việc thế chấp tài sản để đảm bảo cho một khoản vay của ngân hàng do vậy khi người vay thế chấp thì sau đó sẽ kèm theo một hợp đồng tín dụng với số tiền mà tài sản đảm bảo cho khoản vay như trường hợp trên là 03 tỷ đồng. Khi đến thời hạn người vay phải thanh toán khoản vay theo hợp đồng tín dụng mà người vay không thực hiện nghĩa vụ thì tài sản khi thế chấp sẽ là đối tượng thực hiện nghĩa vụ cho khoản vay theo quy định tại khoản 6 Điều 320 quy định 

“Điều 320 Nghĩa vụ của bên thế chấp

6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

 Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm

1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.”

Trong trường hợp người vay không thực hiện nghĩa vụ thì ngân hàng sẽ xử lý tài sản để thu nợ. Mặt khác, người vay cần chú ý, như trước đây để phát mại tài sản nếu các bên không thỏa thuận mà có tranh chấp thì phải có quyết định của tòa án có hiệu lực lúc đó cơ quan thi hành án mới được phát mại thu hồi nợ. 

“Nhưng hiện nay theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì thủ tục thu nợ sẽ đơn giản hơn nhiều”, luật sư Sơn nói.

Trường hợp người vay vốn muốn giữ lại nhà mà vẫn đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay với ngân hàng, tránh bị thanh lý tài sản thế chấp, theo luật sư Sơn chỉ còn cách người vay và phía ngân hàng sẽ thỏa thuận về khoản nợ bao gồm khoản vay và khoản nợ (nếu có). 

Trong đó người vay buộc phải có kế hoạch trả nợ và được phía ngân hàng chấp nhận. Trường hợp ngân hàng không chấp nhận, để tránh thiệt hại thì người vay có thể thỏa thuận, hợp tác với ngân hàng để ngân hàng cho người vay bán tài sản để trả nợ ngân hàng vì giá trị tài sản bao giờ cũng cao hơn giá trị đảm bảo cho khoản vay. “Tuy nhiên nếu cộng cả nợ lãi thì có thể tổng nợ sẽ cao hơn giá trị tài sản do vậy bạn cần cân nhắc quyết định để giảm thiệt hại”, ông Sơn nói.

Đọc thêm