Hai năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Ia Nhin, huyện Chư Pẳh, tình Gia Lai, rất bức xúc về những quyết định thu thuế đất nông nghiệp và quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng đất nông nghiệp của Chi cục Thuế huyện Chư Pẳh, bởi họ chưa một lần được nghe tuyền truyền luật thuế sử dụng đất nông nghiệp từ Chi cục thuế.
Người dân băn khoăn: Vì sao Đảng, Nhà nước đã có chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp giai đoạn từ năm 2003 đến hết năm 2020, nhưng họ vẫn phải đóng, phải chịu xử phạt hành chính?.
Năm 1982, ông Lê Văn Hoàn và bà Phạm Thị Lý, quê ở Hà Tĩnh vào sinh sống tại Thôn 2, xã Ia Nhin, huyện Chư Pẳh. Do đều là thương binh 2/4, nên ông bà được Công ty cao su Chư Pẳh giao cho sử dụng một lô đất để sinh sống. Đến năm 2001, lô đất của gia đình ông được UBND huyện Chư Pẳh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 3.130 m2, trong đó đất ở là 400 m2, đất vườn là 2.730m2.
Ông Hoàn và ông Thanh, thôn 2 xã Ia Nhin, huyện Chư Pah bức xúc trao đổi với chúng tôi |
Ông Hoàn cho biết: Kể từ khi được UBND huyện cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, năm nào gia đình ông cũng đều đóng thuế nhà đất đầy đủ, đúng quy định và chưa lần nào bị chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở về việc không nộp thuế, chậm nộp thuế hoặc không kê khai thuế.
Ngày 31/12/2010, gia đình ông có sang nhượng cho người em họ 360m2 đất tại lô đất này. Khi ra Đội thuế số 2, Chi cục Thuế huyện Chư Pẳh, đóng tại xã Nghĩa Hòa để làm thủ tục thì cán bộ thuế yêu cầu gia đình ông phải nộp 2.506.200 đồng, trong đó truy thu thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2001 đến năm 2010 là 1.670.800 đồng và phạt chậm kê khai là 835.400 đồng.
Ông Hoàn khẳng định: “Đảng và Nhà nước nói là thuế được miễn 20 năm mới thu, mà đất trong vườn nhà tôi là đóng thuế hàng năm đầy đủi. Đề nghị cấp trên làm cho rạch ròi và có chính sách phổ biến cho dân biết, để chúng tôi không phải khiếu kiện nữa”
Đồng quan điểm với ông Hoàn, gia đình anh Nguyễn Văn Thanh, chắt chiu mua một lô đất vừa để ở, vừa trồng cà phê. Tháng 12/2001, gia đình anh được UBND huyện Chư Pẳh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 4.797m2, trong đó đất ở là 400m2, còn lại là đất vườn.
Tháng 4 vừa qua, gia đình anh nhượng lại một 3000 m2 cho hàng xóm và khi đến Đội thuế số 2 để làm thủ tục thì cán bộ thuế cho biết, gia đình phải nộp tổng cộng là 15.172.500 đồng, trong đó có 10.710.000 đồng tiền thuế, số còn lại là tiền nộp phạt chậm kê khai. Dù biết là được hưởng chế độ miễn, giảm thuế theo luật định, nhưng để đảm bảo việc chuyển nhượng được thuận lợi gia đình anh buộc phải đóng.
Nói về việc này, ông Bùi Văn Thái, Đội trưởng Đội thu thuế số 2, Chi cục Thuế huyện Chư Pẳh cho rằng: “Theo quy định, Nhà nước miễn thuế đất nông nghiệp cho dân với điều kiện những hộ đó hàng năm kê khai theo quy định của cơ quan thuế, tức là có tên trong sổ bộ của cơ quan thuế. Những hộ nào không kê khai theo thông báo thì ngoài nộp thuế còn phải xử phạt từ một đến ba lần của 5 năm nữa. Chứ còn bây giờ chúng tôi không biết lô đất của ai đâu mà thu. Nghĩa là bao giờ anh mua bán, anh chuyển nhượng thì mới thu, khi có giao dịch thì mới bị thu và phạt như vậy”
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND Xã Ia Nhin, cho biết, theo số liệu của UBND xã Ia Nhin, chỉ tính từ đầu tháng 2 đến ngày 15/7 này, trên địa bàn xã đã có 50 hộ liên quan đến việc cho, tặng và chuyển nhượng đất phải nộp thuế và bị xử phạt hành chính.
Điều đáng nói là từ nhiều năm nay, chính quyền và người dân địa phương không hề thấy bất cứ một cán bộ nào của ngành thuế đến tuyên truyền, phổ biến những quy định về kê khai đất nông nghiệp cũng như nộp thuế hay chế độ miễn, giảm theo quy định. Điều này vừa gây bức xúc cho nhân dân địa phương, vừa gây khó khăn cho cán bộ cấp xã.
Nghị quyết số 15/2003 của Quốc Hội khóa 11 về việc miễn, giảm Thuế Sử dụng đất nông nghiệp, thì UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành Quyết định 155 ngày 14/3/2011 về việc miễn, giảm Thuế Sử dụng đất nông nghiệp bổ sung lần 2 trên địa bàn. Theo đó toàn tỉnh có 16.695 hộ được miễn với tổng diện tích hơn 193.097.052,1m2. Trong đó riêng huyện Chư Pẳh có 12 xã, thị trấn với 828 hộ được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với tổng diện tích là 2.999.984m2.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thuế huyện Chư Pẳh, từ đầu năm đến hết ngày 10/7, đơn vị đã thu được 617 triệu 255 nghìn đồng gồm tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp và tiền xử phạt hành chính các hộ đến giao dịch đất mà chậm kê khai thuế. Vậy Chi cục Thuế huyện Chư Pẳh có làm trái quy định của Luật Thuế và trái với quyết định của UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành?.
Về vấn đề này, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nông, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Chư Pẳh khẳng định: “Những hộ được giảm là những hộ có tên trong sổ bộ, còn không có thì khi có giao dịch mua bán chúng tôi sẽ truy thu. Còn những hộ nào mà người ta chưa kịp kê khai thì sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với UBND xã cùng như là huyện để tiến hành tiếp tục truy thu những hộ có sử dụng đất nông nghiệp mà không kê khai”
Với khẳng định này của ông Chi cục trưởng thì chắc chắn dù được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 15/2003 của Quốc hội khóa 11 và Nghị quyết 55/2010 Quốc hội khóa 12 cùng Quyết định 155 năm 2011 của UBND tỉnh Gia Lai về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2003 đến hết ngày 31/12/2020, thì người dân ở huyện nghèo Chư Pẳh đã và đang bị Chi cục thuế đưa ra ngoài diện đối tượng được hưởng chế độ của Đảng, Nhà nước.
Chính sách thuế và cuộc sống của Đảng và Nhà nước đã và đang đem lại nhiều thuận lợi cho nông dân nghèo trên khắp các vùng miền trên cả nước, vì vậy thiết nghĩ cơ quan Thuế không chỉ có thu Thuế mà còn phải tuyên truyền những chính sách để người dân nắm bắt và thực hiện.
Ngọc Anh