Cần làm sáng tỏ vụ án chiếc cần gạt nước

Mặc dù vụ án đã bị hủy một lần, nhưng kết luận điều tra lại của Công an TP.Yên Bái vẫn không khác là bao so với kết luận điều tra lần đầu. Việc buộc tội hai bố con ông Cao Xuân Thanh còn nhiều uẩn khúc chưa được sáng tỏ, khiến dư luận nghi ngờ…

Mặc dù vụ án đã bị hủy một lần, nhưng kết luận điều tra lại của Công an TP.Yên Bái vẫn không khác là bao so với kết luận điều tra lần đầu. Việc buộc tội hai bố con ông Cao Xuân Thanh còn nhiều uẩn khúc chưa được sáng tỏ, khiến dư luận nghi ngờ…

Hủy án vì lời khai mẫu thuẫn

Theo Kết luận điều tra (KLĐT) lần 2, vụ án được miêu tả như sau: Ngày 26/3/2011, Cao Xuân Thanh (trú tại tổ 14 Thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, Yên Bái) là chủ xe ô tô BKS 21H-2928 nhận hợp đồng đổ đất cho anh Nguyễn Đức Hưng tại khu vực bãi đổ đất số 2 thuộc tổ 44 phường Yên Thịnh. Sau đó, Thanh giao con trai là Cao Đức Minh điều khiển xe đổ đất.

Khi Đoàn kiểm tra của UBND phường Yên Thịnh yêu cầu kiểm tra giấy phép đổ đất và giấy tờ xe thì hai bố con không chấp hành và có những lời lẽ, hành vi chống đối. Đỉnh điểm, Minh còn lái xe lao thẳng vào ông Nguyễn Trung Thành, Công an phường Yên Thịnh làm ông Thành phải nhảy lên bám tay vào cần gạt nước và tỳ người đứng lên ba-đờ-sốc của ô tô. Chỉ đến khi ông Nguyễn Việt Hùng dùng tay đập vỡ cửa kính xe thì Minh mới xe dừng. Tuy nhiên, KLĐT cũng chỉ rõ: “Quá trình điều tra cả hai bị can đều không thừa nhận hành vi phạm tội”.

Trở lại quá trình tố tụng trước khi có KLĐT nói trên, tại phiên tòa Phúc thẩm diễn ra tháng 9/2011, TAND tỉnh Yên Bái nhận định, nhiều vấn đề trong vụ án chưa được làm rõ, đặc biệt “tư thế của người bám vào đầu xe ô tô đứng ở ba đờ sốc bám vào cần gạt nước và tay gương hay bám vào cần gạt nước chưa được làm rõ. Tư thế của người dùng tay đấm cửa kính xe cũng chưa được mô tả…”. Vì vậy, Bản án phúc thẩm đã hủy toàn bộ án sơ thẩm.

“Đu” cần gạt nước: Điều không tưởng

Trong vụ án này, chi tiết đắt giá nhất có lẽ chính là cáo buộc của các cơ quan tố tụng về việc Minh lái xe lao thẳng vào ông Thành, Công an phường Yên Thịnh. Để ngăn cản, ông Thành phải bám vào cái cần gạt nước trên xe ô tô!? Chi tiết này thể hiện sự vô lý vì cái cần gạt nước nhỏ như vậy làm sao có thể “tải” được một người trên quãng đường 29m, trong khi đó ông Thành không hề bị trầy xước gì.

Vì điều vô lý này này mà tại phiên tòa phúc thẩm, ông Thành đã thay đổi lời khai, cho rằng một tay mình bám vào cần gạt nước, một tay bám vào gương còn chân thì đạp lên ba-đờ-sốc. Lời khai của ông Thành bất nhất, mâu thuẫn với lời khai của ông Hùng vì ông Hùng cũng quả quyết tay mình cũng bám vào gương. Một chiếc gương mà hai người đu bám liệu có thể tin nổi không? Ngoài ra, việc ông Hùng khai tay không đập vỡ cửa kính khi xe đang chạy, trong khi xe lại không có chỗ để chân cũng là điều khó tin.

Hơn nữa, việc sử dụng lời khai trong vụ án có nhiều điểm đáng nghi vấn. Theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu - Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự, người bào chữa cho hai bị cáo Thanh, Minh - khẳng định: Lời khai của người làm chứng cũng lại là người thi hành công vụ là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trong khi đó lời khai của các ông Nguyễn Văn Mão, Cao Thanh Sơn khách quan thì lại bị “bỏ ra ngoài” không xem xét.

Bên cạnh đó, vụ án có nhiều dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, như không tổ chức khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, không tổ chức đối chất với các lời khai có mâu thuẫn… Dường như để “khắc phục” tồn tại này, quá trình điều tra lại, Cơ quan Điều tra đã cho thực nghiệm hiện trường nhưng cũng theo Luật sư Châu thì chỉ làm chiếu lệ, không phù hợp với nhiều chứng cứ, tài liệu có trong vụ án.

Với KLĐT lại, dư luận vẫn hoài nghi về cách buộc tội của cơ quan tố tụng TP.Yên Bái. “Bổn cũ soạn lại”, những gì mà án phúc thẩm yêu cầu, cơ quan điều tra vẫn không làm rõ thêm nhưng vẫn tiếp tục đề nghị VKS truy tố. Cứ đà này, không hiểu vụ án sẽ “đi đâu về đâu”?

Huy Hoàng

Đọc thêm