Cần mạnh dạn cho phép các chính sách đột phá với “đặc khu” kinh tế

(PLO) - Để thu hút được các nguồn lực, phát huy được lợi thế và tiềm năng của một số địa phương, Chính phủ đã thống nhất xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, muốn xây dựng thành công các khu hành chính - kinh tế đặc biệt, trước hết phải có cơ chế đặc biệt, mang tính đột phá và điều này sẽ được luật hóa bởi dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 11/2016 được công bố ngày 6/12/2016, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thuộc tỉnh theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước. 

Trên thực tế, các “đặc khu” này vẫn đang được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, ở khu kinh tế Vân Đồn, ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành thì còn được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù như ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trong khu kinh tế; được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa không quá 50% vốn đối ứng cho một dự án ODA của trung ương đầu tư trên địa bàn nhưng địa phương cam kết bố trí vốn đối ứng.

Cơ chế ưu đãi cao nhất dành riêng cho Phú Quốc đáng kể nhất là những ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp (10% thay vì 28%), thuế thu nhập cá nhân (giảm 50%)... khiến cho mảnh đất này trở thành một địa chỉ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Cạnh đó là chính sách ưu đãi miễn thị thực trong thời hạn lưu trú 30 ngày tại Phú Quốc đối với người nước ngoài, Việt kiều áp dụng từ cuối năm 2013 cũng là “cú hích” lớn giúp lượng khách du lịch đến Phú Quốc không ngừng tăng, tạo điều kiện mạnh mẽ cho thị trường bất động sản và du lịch ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương thì cần thiết xây dựng dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và đề nghị xây dựng Luật này vừa được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự luật mạnh dạn đề xuất cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, mới, có tính đột phá về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và ưu đãi đầu tư. Theo đó, tổ chức, bộ máy và thể chế hành chính phải hướng tới việc xây dựng một bộ máy chính quyền theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và điều hành các mặt hoạt động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, ngân hàng, đất đai, nhà ở, đầu tư, thương mại, thu hút nguồn nhân lực... thì phải đáp ứng yêu cầu là ưu đãi cao hơn các luật hiện hành áp dụng cho các khu kinh tế và có đủ sức cạnh tranh quốc tế. Chẳng hạn, về ưu đãi thuế, tùy từng mặt hàng cho phép linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Về tài chính, ngân sách, cho phép để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…

Việc giành chính sách ưu đãi cho phát triển các “đặc khu” khẳng định rõ ràng chủ quyền, quan điểm phát triển của Việt Nam đối với các địa bàn này. Nhưng ở khía cạnh khác, qua đánh giá tác động thì các chính sách thông thoáng vượt trội có thể tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước, gây ra những xáo trộn về xã hội, việc làm, gây nguy cơ đối với đảm bảo an ninh…, đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ. 

Đọc thêm