Cần một đề án tổng thể nâng cao chất lượng hòa giải viên

(PLO) - 3 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (HGCS), Bộ Tư pháp cho biết đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, khó khăn nổi lên là kinh phí dành cho công tác HGCS còn rất hạn hẹp, đội ngũ người làm hòa giải thường xuyên biến động, thậm chí hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Tổ hoà giải của khu Vĩnh Trung (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) trao đổi kinh nghiệm hoà giải ở cơ sở
Tổ hoà giải của khu Vĩnh Trung (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) trao đổi kinh nghiệm hoà giải ở cơ sở

Đánh giá chung cho thấy, sau 3 năm triển khai Luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về HGCS đầy đủ, đồng bộ. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác HGCS đã được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động HGCS, khích lệ, động viên các hòa giải viên (HGV), bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao…

Hòa giải còn mang tính chiếu lệ

Bên cạnh những kết quả và ưu điểm đạt được nêu trên, công tác HGCS vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và tồn tại. Một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác HGCS đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác HGCS, chưa phát huy tốt trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác HGCS tại địa phương.

Đặc biệt sau 3 năm thi hành Luật, kinh phí dành cho công tác HGCS còn rất hạn hẹp, chủ yếu nằm trong kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương. Hiện vẫn còn nhiều tỉnh, TP chưa thực hiện việc chi thù lao theo vụ, việc cho HGV trên địa bàn toàn tỉnh. 

Ngoài ra, hoạt động hòa giải đôi khi còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thụ động, thậm chí hành chính hóa. Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư thuộc phạm vi HGCS không được HGV chủ động hòa giải, dẫn đến các bên tranh chấp khiếu kiện trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ hòa giải thành ở một số địa phương còn thấp.

Củng cố đội ngũ HGV

Riêng đội ngũ HGV là những người sinh sống tại địa bàn cơ sở, được nhân dân tín nhiệm bầu và UBND cấp xã ra quyết định công nhận, hoạt động tự nguyện, tự quản vì lợi ích chung của cộng đồng và đa phần trong số họ là những người cao tuổi. Vì vậy, đội ngũ này thường xuyên biến động qua các năm. 

Ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu nên việc vận động phụ nữ tham gia hoạt động hòa giải còn khó khăn. Trình độ học vấn và trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ HGV còn rất hạn chế. Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn tham gia làm HGV tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ HGV thực hiện hoạt động HGCS. 

Thời gian tới, trong điều kiện nguồn nhân lực thực hiện công tác HGCS, đặc biệt là đội ngũ HGV vừa thiếu, vừa yếu, lại thường xuyên biến động, chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nên để đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho công tác HGCS trong tình hình mới theo Bộ Tư pháp thì vấn đề quan trọng nhất là cần phải xây dựng một đề án tổng thể (do Thủ tướng Chính phủ ban hành) đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ HGV trong đó thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác HGCS.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về HGCS nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này; tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp về công tác HGCS và chất lượng hoạt động của các HGV. 

Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 111.649 tổ hòa giải với tổng số 661.183 HGV. Chất lượng của đội ngũ HGV ngày càng được nâng cao. Trong số 661.183 có 30.756 HGV có trình độ chuyên môn Luật, chiếm tỷ lệ 4,65%. Các HGV được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác HGCS, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở.

Tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành (01/01/2014) đến tháng 12/2016, tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành năm sau đều tăng hơn so với năm trước, năm 2016, tổng số vụ, việc đã thực hiện hòa giải là 141.928  (vụ, việc); hòa giải thành là 115.651 (vụ, việc), đạt tỷ lệ 81,5%. 

Các vụ, việc hòa giải chủ yếu thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và đất đai, các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ hòa giải thành cao trên 85%.

Đọc thêm