Cần một mô hình chính quyền phù hợp để quản lý đô thị

Việc quản lý đô thị (QLĐT) là vấn đề phức tạp. Đối tượng QLĐT rất khác nhau và rất khác với quản lý nông thôn (QLNT). Thực trạng QLĐT ở nước ta những năm gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, nhiều biểu hiện tiêu cực. Do đó, Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này cần có những quy định về mô hình tổ chức chính quyền phù hợp để QLĐT.

Việc quản lý đô thị (QLĐT) là vấn đề phức tạp. Đối tượng QLĐT rất khác nhau và rất khác với quản lý nông thôn (QLNT). Thực trạng QLĐT ở nước ta những năm gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, nhiều biểu hiện tiêu cực. Do đó, Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này cần có những quy định về mô hình tổ chức chính quyền phù hợp để QLĐT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều nguyên nhân dẫn tới bất cập

Hiến pháp 1992 tại Điều 119 quy định: Việc thành lập Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban nhân dân (UBND) ở các đơn vị hành chính do luật định. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994 quy định các cấp ở các loại hình đơn vị hành chính đều có HĐND và UBND do HĐND bầu ra.

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ X đề cập: Điều chỉnh lại cơ cấu chính quyền địa phương cho phù hợp với những thay đổi ở trung ương. Nghiên cứu áp dụng cơ chế Thủ tướng bổ nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan chính quyền địa phương. Nghiên cứu để có thể giảm bớt Hội đồng nhân dân cấp quận ở đô thị.

Những bất cập về mô hình chính quyền đô thị hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về đô thị nói riêng chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, pháp chế chưa thật nghiêm để vận hành có hiệu quả cao nhất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đô thị là nơi tiếp giáp giữa cung và cầu, là hàn thử biểu về tình hình kinh tế, rất nhạy cảm với các chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng của đô thị lạc hậu, không đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng làm phát sinh những hậu quả xấu.  Công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa khoa học, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quy hoạch đô thị tiến hành chậm, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, chúng ta chưa phân biệt được QLĐT với QLNT (điều này thể hiện trong công tác tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, trình độ cán bộ...).

Phải tính đến những đặc thù riêng

Trước thực trạng như vậy, đòi hỏi công tác QLĐT phải tính đến những nét đặc thù riêng. Cụ thể, tổ chức QLĐT theo nguyên tắc tập trung thống nhất cao, tránh tình trạng “cắt khúc”.  QLĐT nhất thiết phải dựa theo quy hoạch. Tổ chức QLĐT theo nguyên tắc trực tiếp. Mặt khác, cần phân cấp quản lý rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị. Triệt để sử dụng công cụ pháp luật để QLĐT; luật pháp phải đồng bộ, pháp chế nghiêm. Một vấn đề quan trọng nữa là bộ máy QLĐT phải tinh gọn, con người phải có kiến thức về QLĐT, hiểu biết về đô thị, phương tiện quản lý dần dần phải được hiện đại hoá, ưu tiên hơn so với các vùng khác.

Trên bình diện chung, chính sách phát triển các địa phương ở nước ta hầu như không có sự phân biệt về tổ chức và quản lý giữa đô thị và nông thôn. Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp không phân biệt tính đặc thù giữa đô thị và nông thôn; cả 3 cấp ở nông thôn cũng như thành thị đều có cơ quan dân cử và cơ quan hành chính.

Thực tiễn cho thấy các cơ quan dân cử cấp quận, huyện và phường tại đô thị hoạt động ít hiệu quả, phần nào còn mang tính hình thức. Tuy đã thực hiện một bước phân cấp thẩm quyền hành chính, nhưng nhìn chung vẫn mang nặng tính tình thế và do áp lực của phát triển, chứ không theo một khung pháp lý và một hệ thống quan điểm nhất quán.

Việc điều hành và phân cấp từ trung ương chưa thoát khỏi cơ chế “xin-cho”, do đó không phát huy đầy đủ tính chủ động của địa phương. Nếu không có luật về đô thị hay ít ra có mô hình quản lý đô thị thì việc “chữa cháy” vẫn xảy ra thường xuyên vì không chữa chạy tận gốc, “chữa triệu chứng chứ không chữa nguyên nhân”.

Nghiên cứu lịch sử xây dựng chính quyền địa phương cho thấy, Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, thiết kế: “ở mỗi thành phố đặt 3 thứ cơ quan: HĐND thành phố, Ủy ban Hành chính thành phố và Ủy ban Hành chính khu phố” (Điều 3). Như vậy là tổ chức chính quyền ở thành phố theo sắc lệnh này có 2 cấp và HĐND chỉ có ở cấp thành phố.

Phải chăng đây là tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chính quyền nhân dân: lấy hiệu quả làm mục tiêu, gọn, nhẹ, theo đúng khoa học về tổ chức và đỡ tốn tiền của dân, có hiệu lực để phục vụ tốt cho dân. Mô hình tổ chức đô thị 2 cấp chính quyền theo Sắc lệnh 77 giống như tổ chức quản lý đô thị của các thành phố như Pa-ri, Tô-ky-ô...

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-TW ngày 1/8/2007, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã được Nhà nước triển khai qua Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội.

 TP.Hồ Chí Minh 1 trong 3 thành phố đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và bổ nhiệm Chủ tịch UBND và các thành viên. Đây là một bước đi quan trọng, là tiền đề tiến đến thực hiện mô hình tổ chức chính quyền phù hợp để QLĐT .

Diệp Văn Sơn

Đọc thêm