Hiện nay, ở các địa phương có nhiều CLB pháp luật được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau, thu hút các đối tượng tham gia khá đa dạng. Tại Hà Nội, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư bước đầu đã chứng tỏ hiệu quả tích cực. Ở cấp thành phố, hiện đã xây dựng được gần 30 mô hình điểm CLB “Phụ nữ với pháp luật”, tại các quận, huyện đã nhân rộng được hơn 100 CLB “Phụ nữ với pháp luật”.
Ở một số địa phương như Long An, Đắk Nông, Hải Phòng, Bắc Ninh…, CLB “Nông dân với pháp luật” đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên, nông dân học tập, tìm hiểu pháp luật; kịp thời phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật, nhất là các Bộ luật, Luật mới sửa đổi liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ đó, vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần giữ vững tình làng, nghĩa xóm, tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định chính trị, trật tự tại địa phương.
Với hơn 500 CLB pháp luật được thành lập và hoạt động ở khắp các cấp, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Các CLB này có nhiều tên gọi đa dạng như: “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”; “Bạn giúp bạn”; “Thắp sáng niềm tin”; “Đội xung kích tình nguyện”… Còn tại Bến Tre, CLB “Tuổi trẻ với pháp luật” đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các cán bộ Đoàn, học sinh, sinh viên. Thông qua các hoạt động, CLB đã trang bị những kiến thức về pháp luật liên quan đến quyền và trách nhiệm của thanh niên; những nội dung liên quan đến chế độ chính sách, nghĩa vụ của học sinh, sinh viên để từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật.
Có thể nói, các CLB pháp luật hoạt động hiệu quả được nhân rộng đã góp phần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, giúp hội viên và nhân dân trên địa phương nâng cao hiểu biết pháp luật, xây dựng ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít CLB pháp luật chỉ dừng lại ở việc thành lập trên văn bản hoặc hoạt động nhưng hiệu quả mang lại không cao. Có nhiều nguyên nhân khiến các CLB pháp luật hiện nay chưa thể phát huy hết hiệu quả, khó duy trì sinh hoạt đều đặn theo quy chế hoạt động như: thiếu địa điểm ổn định để sinh hoạt, thiếu nguồn kinh phí, thiếu các giải pháp hỗ trợ để duy trì tính bền vững. Nội dung, hình thức sinh hoạt pháp luật còn đơn điệu, nặng về giới thiệu quy định pháp luật mà ít trao đổi, thảo luận các tính huống, vụ việc thực tế nảy sinh tại địa phương. Khó khăn lớn nhất tại các CLB pháp luật là chưa huy động được các nhà chuyên môn tham gia sinh hoạt để tư vấn, định hướng, giải đáp các vướng mắc pháp lý, vì vậy chưa thu hút được đông đảo hội viên và người dân tham gia.
Thời gian tới, để phát huy một cách đầy đủ vai trò của CLB pháp luật trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm và căn cứ điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị để hướng dẫn, chỉ đạo đổi mới nội dung sinh hoạt pháp luật, bám sát nhu cầu, đời sống của hội viên, cán bộ và nhân dân. Các sở, ban, ngành địa phương cần thường xuyên tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động của các CLB pháp luật, nếu thấy không phù hợp có thể dừng hoạt động hoặc sáp nhập các CLB để có thể tận dụng các nguồn lực, tránh trùng lắp. Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành đối với hoạt động của các CLB pháp luật. Qua đó để có cơ sở xây dựng cách thức hoạt động sao cho phù hợp, hiệu quả nhất đối với từng đối tượng, địa bàn và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Các CLB pháp luật cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt; các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí hợp lý, đồng thời có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các CLB pháp luật hoạt động như: hỗ trợ tài liệu, huy động được sự tham gia của các chuyên gia, báo cáo viên pháp luật giàu kinh nghiệm…