Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm cho mọi người được sống trong môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp. Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn đảm bảo cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
Qua thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, các Đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh để tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Nhấn mạnh đề nghị cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, thời gian qua, cơ quan điều tra của chúng ta đã đấu tranh rất quyết liệt đối với loại tội phạm này nhưng tình hình vẫn chưa được như mong muốn.
“Chúng ta duy trì án tử hình nhưng số lượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý vẫn ngày càng tăng. Nếu bỏ tội này, không khéo Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma tuý đi nước ngoài”, Đại biểu nêu băn khoăn.
Cùng với đó, Đại biểu Nguyễn Thanh Sang cũng đề nghị hết sức cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ trong bối cảnh tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. “Đừng nghĩ tội tham ô tài sản chỉ có ở lĩnh vực công mà cả lĩnh vực tư”, Đại biểu nói.
Hơn nữa, thực tiễn đấu tranh xử lý loại tội phạm này cho thấy, việc quy định hình phạt tử hình trong các tội về tham nhũng có tác dụng răn đe cao và đạt hiệu quả xử lý. Hầu hết số người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội tham nhũng có khung hình phạt tử hình đều rất tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện cố gắng cao trong việc khắc phục hậu quả thiệt hại.
Dẫn vụ án Vạn Thịnh Phát, Đại biểu Nguyễn Thanh Sang đặt câu hỏi: Nếu các đối tượng phạm tội biết phạm tội nhưng không bị kết án tử hình thì liệu hiệu quả thu hồi tài sản có đạt như mong muốn?
Cùng với đó, Đại biểu cũng đề nghị cận nhắc việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng bày tỏ băn khoăn với việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy và Tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Theo Đại biểu, có một logic là nếu trên thực tế việc xảy ra các tội này ít hẳn đi, tình hình khá hơn thì thường người ta sẽ giảm án. Tuy nhiên, nếu tình hình ngày càng căng thẳng, ngày càng có nhiều nguy cơ và luật xử tới mức đó rồi mà vẫn chưa sợ thì một trong những giải pháp hay được tìm đến là tăng mức phạt.
“Có đồng chí nào trong Ban soạn thảo dám khẳng định là 4 tội này đang rất êm đềm, đang rất là an toàn và sắp tới không có chuyện gì không? Tình hình ma tuý càng càng càng nghiêm trọng đấy chứ? Còn tham ô và nhận hối lộ, chúng ta đã hết sức quyết liệt nhưng ai dám nói là đã triệt được tận gốc hay vẫn diễn biến rất phức tạp? Do đó, nếu lúc này đặt ra vấn đề nhân văn, thay bằng hình phạt tù chung thân thì tôi không đồng ý”, Đại biểu nói, nhấn mạnh quan điểm cho rằng “nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào mình”.
Các ý kiến phát biểu cũng nhất trí với việc nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ma tuý.