Đề nghị Vụ trưởng cho biết năm 2017, Bộ Tư pháp đã có những hoạt động thiết thực nào để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam?
- Quán triệt đầy đủ trách nhiệm được giao theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), năm 2017, Bộ Tư pháp đã sớm ban hành Công văn hướng dẫn triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam để định hướng về chủ đề, nội dung, hình thức hưởng ứng trong cả nước và Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp năm 2017 đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, cụ thể là:
Một là, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đều chỉ đạo, quán triệt, phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động về chủ đề, nội dung, hình thức, nhiệm vụ triển khai Ngày Pháp luật; xác định chủ đề, lựa chọn nội dung, hình thức, cách làm phù hợp với điều kiện và đặc thù của đơn vị. Đồng thời lồng ghép quán triệt, thực hiện chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các luật, pháp lệnh mới ban hành; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hoạt động chuyên môn gắn với quán triệt, phổ biến, giới thiệu nội dung các văn bản mới trong phạm vi quản lý; phát huy vai trò của công tác tư pháp, pháp luật trong hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn chủ đề, nội dung, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự; phát động phong trào thi đua gương mẫu tôn trọng, nghiêm chỉnh tuân thủ, chấp hành pháp luật; tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương.
Hai là, công chức, viên chức, người lao động Bộ Tư pháp đều gương mẫu, tự giác tự học tập, tìm hiểu các quy định pháp luật mới ban hành; chủ động học tập, nâng cao năng lực, kỹ năng xây dựng, hoàn thiện và thi hành thể chế, chính sách; tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thực thi công vụ; phát hiện kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật; tích cực phổ biến, vận động nhân dân tuân thủ và chấp hành pháp luật.
Ba là, triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam trên các phương tiện thông tin, báo chí của Bộ như: Thiết kế mẫu các băng rôn, pa nô, áp phích, cờ, phướn; duy trì chuyên mục “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, phát động và tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Tạp chí Dân chủ và pháp luật đã xây dựng, phát hành 01 số chuyên đề “Các mô hình triển khai Ngày Pháp luật thiết thực và hiệu quả”; Báo Pháp luật Việt Nam phát hành 01 số chuyên đề về các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2017 trên cả nước. Ngoài ra, để thông tin đầy đủ, kịp thời về các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trong cả nước, nhất là các mô hình hay, cách làm hiệu quả và các bài học kinh nghiệm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Cồng thông tin điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đăng tải nhiều bài nghiên cứu, bài viết chuyên sâu của lãnh đạo Bộ, các chuyên gia, các nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn để phản ánh tình hình triển khai Ngày Pháp luật; về công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với việc tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, trong đó có các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Bốn là, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự và Luật Tiếp cận thông tin tại 63 điểm cầu trong cả nước; tổ chức 01 Hội thảo về “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp”; Hội nghị quán triệt nội dung cơ bản của Bộ luật hình sự, Luật đấu giá tài sản, Luật trợ giúp pháp lý, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho đội ngũ Báo cáo viên trung ương và toàn thể công chức, viên chức, người lao động Bộ Tư pháp. Các đơn vị thuộc Bộ cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm để đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Năm là, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2017 gắn với sự kiện “Ngày hội pháp luật” trên địa bàn thành phố. Các nhà trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật như: Tổ chức Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Công ước Luật biển 1982 - Hành trình 35 năm” và tổ chức trưng bày sản phẩm khoa học về biển, đảo (của Đại học Luật Hà Nội); lễ mittinh diễu hành, treo pano áp phích cổ động trực quan hưởng ứng tại các Trường Trung cấp Luật…;
Sáu là, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Diễn đàn “Thanh niên với Bộ luật hình sự (BLHS) và phát động cuộc thi sáng tác bộ công cụ tuyên truyền, PBGDPL”; đồng thời phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Đối thoại trực tuyến về các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.
Từ thực tiễn triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp có những bài học nào được rút ra, thưa Vụ trưởng?
- Theo tôi trước hết phải quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao theo Luật PBGDPL; bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, với các vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, cần bám sát Công văn hướng dẫn và Kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm của Bộ Tư pháp để xác định chủ đề, nội dung, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật trong từng đơn vị thuộc Bộ. Thủ trưởng đơn vị và từng công chức, viên chức, người lao động Bộ Tư pháp cần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân liên quan đến lĩnh vực quản lý. Phát huy vai trò đầu mối tham mưu của Vụ PBGDPL; huy động sự tham gia và vào cuộc của các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và các tổ chức đoàn các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Cần phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác phối kết hợp, lồng ghép trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật để khai thác, tận dụng có hiệu quả các nguồn lực. Ngoài ra cũng cần chú trọng việc sơ kết, tổng kết, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong triển khai thực hiện.
Theo Vụ trưởng cần có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó có các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng có rất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL nói chung, trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp nói riêng. Trong đó nhiều giải pháp đã được đề ra trong Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần quan tâm một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến triển khai công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ và Vụ PBGDPL, Cục Công nghệ thông tin trong triển khai công tác PBGDPL liên quan đến lĩnh vực quản lý và trong triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật hằng năm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân công, giao Vụ PBGDPL làm đầu mối tham mưu công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; Cục Công nghệ thông tin là đầu mối tham mưu cung cấp thông tin về pháp luật trên các lĩnh vực quản lý của Bộ; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp triển khai các hoạt động PBGDPL liên quan đến lĩnh vực quản lý và trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Vụ PBGDPL, Cục Công nghệ thông tin với các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ PBGDPL, nhất là trong xây dựng Kế hoạch PBGDPL hằng năm; trong hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức, kỹ năng PBGDPL; trong biên soạn, phát hành thống nhất các tài liệu PBGDPL; xây dựng, quản lý, sử dụng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cũng như trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp với đặc thù của từng đơn vị.
Hai là, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL, của việc hưởng ứng Ngày Pháp luật trong cơ quan, đơn vị. Cần xác định đây là một nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, coi hoàn thành nhiệm vụ công tác PBGDPL là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin, cơ quan báo chí của Bộ để tăng cường thông tin về pháp luật; chú trọng PBGDPL cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý để thống nhất nhận thức; tích cực, nỗ lực triển khai thực hiện; tham gia tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân để giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội. Phân công, giao nhiệm vụ cho đơn vị, công chức làm đầu mối tham mưu, giúp Thủ trưởng đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ này, gắn với xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của cơ quan, đơn vị.
Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp cũng như trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Làm tốt công tác lập Kế hoạch hằng năm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như chủ đề, nội dung, hình thức hưởng ứng; tăng cường công tác phối hợp; lồng ghép các hoạt động để tận dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL; gắn kết các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với triển khai nhiệm vụ chính trị, chuyên môn để Ngày Pháp luật thực sự trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi người, của từng đơn vị thuộc Bộ.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, bảo đảm phù hợp với từng nhóm lĩnh vực, địa bàn, đối tượng; đa dạng hóa các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL để kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng nguồn thông tin, tư liệu PBGDPL. Chú trọng các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật; các bài giảng điện tử giới thiệu chủ trương, chính sách, quan điểm, nội dung cơ bản của văn bản; tăng cường các diễn đàn đối thoại để giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn thi hành.
Năm là, phát huy đầy đủ vai trò của các nhà trường thuộc Bộ trong triển khai các hoạt động PBGDPL cho Nhân dân cũng như trong hưởng ứng Ngày Pháp luật; huy động sự vào cuộc của các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng của Bộ Tư pháp trong triển khai các hoạt động PBGDPL cũng như hưởng ứng Ngày Pháp luật qua thiết lập các chuyên trang, chuyên mục; giải đáp các vướng mắc pháp luật trong thực tiễn thi hành văn bản.
Về lâu dài, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; nghiên cứu, tổng kết các mô hình hay trong PBGDPL và triển khai Ngày Pháp luật; gắn kết chặt chẽ hơn giữa công tác PBGDPL với hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cần nhận diện đầy đủ và toàn diện hơn giữa công tác PBGDPL với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện…