Văn hóa & Pháp luật

Cần nhanh chóng xây dựng thiết chế văn hóa số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước sự phát triển vũ bão của mạng xã hội, vấn đề quan trọng và cấp thiết được đặt ra là nhanh chóng xây dựng thiết chế văn hóa số nhằm giúp bảo tồn, gìn giữ các giá trị tốt đẹp và hạn chế được những mặt trái của mạng xã hội.
Tin giả là một trong những thực trạng “xấu xí” trên không gian mạng.
Tin giả là một trong những thực trạng “xấu xí” trên không gian mạng.

Người dùng dễ “lạc lối” trên không gian mạng

Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, năm 2020, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng (NSD) Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ NSD Internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển (86,7%), nhưng cao hơn các nước đang phát triển (44,4%) và vượt qua nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương (44,5%). Còn tính đến tháng 1/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97.8 triệu dân. Trong đó, có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày. Có thể thấy, người Việt đã dùng đến một thời gian không nhỏ trong một ngày để hoạt động trên không gian mạng. Nếu như trước kia, người ta thường gọi không gian mạng là “thế giới ảo” thì giờ đây, khái niệm này ít khi được sử dụng. Bởi những gì đang diễn ra trên thế giới mạng giờ đây không còn là câu chuyện “ảo”, xa vời với đời sống mà nó hàng ngày, hàng giờ, hàng phút tác động trực tiếp tới đời sống con người. Nói một cách khác, người ta “sống” trên không gian mạng không khác gì “sống” trong đời sống thực.

Sự phát triển vũ bão của mạng xã hội đem lại cho con người nhiều thứ, đó là sự kết nối không biên giới giữa người và người, giữa các nền văn hoá. Mạng xã hội cũng đem đến sự nhanh nhạy về thông tin, khiến kho tri thức của con người dường như mở ra vô tận, khiến con người dần trở nên tự tin, mong muốn hoàn thiện mình hơn.

Thế nhưng, thực tế không thể phủ nhận được là thời gian qua, mạng xã hội đã bộc lộ không ít mặt trái đáng sợ của mình. Từ những vụ “bạo lực mạng” đáng sợ khiến nạn nhân bị trầm cảm, muốn tìm đến cái chết. Những người dùng mạng chia sẻ các video clip “nóng”, đồi truỵ, dùng mạng xã hội để sống ảo, lừa gạt người khác, đánh cắp thông tin trên mạng hay kể cả đánh cấp chất xám của người khác. Có không ít người còn lợi dụng mạng xã hội để làm công cụ thoả mãn cái tôi của mình, lôi kéo sự quan tâm, đồng tình của cộng đồng nhằm đặt những mục đích xấu xa như tấn công, xúc phạm, bôi nhọ người khác, giành phần lợi ích về phía mình… Sự phát triển nhanh và mạnh của mạng xã hội cũng đặt ra rất nhiều vấn đề bảo vệ an toàn và riêng tư cá nhân trên không gian mạng, những vấn đề về giữ gìn trật tự trị an, an ninh quốc gia…

Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index - DCI) của Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thấp nhất thế giới. Còn theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) năm 2017, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng tại Việt Nam tập trung ở: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37%); kỳ thị giới tính (29,3%); kỳ thị khuyết tật (21,76).

PGS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trong một bài phỏng vấn đã đưa ra nhận định về tính hai mặt của mạng xã hội như sau: “Môi trường mạng giúp các nhóm yếu thế, thiểu số, "ngoài lề" trong xã hội (đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, người khuyết tật…) có cơ hội cất lên tiếng nói. Trên phương diện hội nhập quốc tế, môi trường mạng giúp cho quá trình giao lưu, hội nhập về văn hóa diễn ra nhanh chóng, chủ động và đa chiều hơn.

Tuy nhiên, do tính chất ẩn danh, khó kiểm soát, khó quản lý, không gian mạng cũng là môi trường thuận lợi cho các biểu hiện tiêu cực như: lừa đảo về kinh tế, gian lận trong thương mại, tung tin đồn thất thiệt để triệt hạ đối thủ, những ứng xử vô văn hóa như tung ảnh "nóng", "comment bẩn", "ném đá hội đồng", "cuồng like", anti-fan, đề cao thái quá cái tôi cá nhân, tạo scandal để trở nên nổi tiếng...

Do vậy, việc chấn chỉnh và tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng hiện nay đang đặt ra cấp thiết. Tuy nhiên, với tính chất là một "không gian ảo", "xã hội ảo", "cộng đồng ảo", việc quản lý văn hóa, quản lý thông tin, xây dựng môi trường văn hóa tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trước những thực trạng đang diễn ra trên môi trường mạng tại Việt Nam, giờ đây, việc xây dựng môi trường văn hoá số, thiết chế văn hoá số trên không gian mạng đã trở thành một vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết.

Thiết chế văn hóa: Gìn giữ và dẫn đường

Theo Cẩm nang Chuyển đổi số - Bộ TT&TT, văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.

Thực tế cần nhìn nhận là mạng xã hội đang phát triển với tốc độ vũ bão về nội dung, hình thức, trong khi văn hoá số mới được hình thành và còn chưa hoàn thiện. Những năm gần đây, vấn đề xây dựng thiết chế văn hoá số đã được đặt ra ngày một nhiều.

Những mặt tích cực, tốt đẹp do công cuộc số hoá và sự phát triển Internet mang đến là không thể phủ nhận được. Xây dựng thiết chế văn hóa số sẽ góp phần giúp phát huy được những mặt mạnh, điều tốt đẹp do môi trường số hoá mang đến. Bên cạnh việc gìn giữ, thiết chế văn hóa số còn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, đó là “đưa đường, chỉ lối”, là đem lại những cách thức ứng xử đúng đắn, chuẩn mực trên không gian mạng.

Thực tiễn phát triển của môi trường mạng cho thấy, hệ thống luật pháp của chúng ta còn thiếu nhiều quy định điều chỉnh các quan hệ trong xã hội số. Cùng với môi trường số còn nhiều rủi ro, an toàn thông tin chưa được đảm bảo, thì những thói quen, tư duy lạc hậu của người Việt Nam còn cản trở công cuộc số hóa, thậm chí còn làm cho công nghệ số không thể vận hành được.

Cần có hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả nhằm ngăn chặn những hành vi phản cảm trên mạng.

Cần có hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả nhằm ngăn chặn những hành vi phản cảm trên mạng.

Ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó quy định khá rõ ràng về các hành vi được làm, khuyến khích làm và không nên, không được phép thực hiện. Tuy nhiên, để hoàn thiện thiết chế văn hoá số còn cần nhiều yếu tố hơn thế.

Theo sự phân tích của PGS.TS Từ Thị Loan về vấn đề quản lý, xây dựng văn hóa trên mạng Internet, thì đối với công việc điều hành, quản lý trong cuộc đời thực, việc xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng cần được quan tâm rốt ráo ở tất cả các khâu: thể chế quản lý, nguồn lực quản lý, công cụ quản lý, biện pháp quản lý.

Theo đó, trước hết, cần tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý. Như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản dưới Luật liên quan đến mạng như: Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin…

Cùng với đó, phải tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt, cấp phép, thanh tra... Cần có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Bên cạnh hệ thống quản lý, hệ thống pháp luật thì một vấn đề cần tác động trong việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hoá số, đó là sự nâng cao nhận thức người dùng mạng tạo nên cách hành xử văn hoá, văn minh trên không gian mạng. Điều này là cả một quá trình thay đổi nhận thức thông qua nhiều hình thức từ chế tài nghiêm cho đến giáo dục từ nền tảng.

Tựu trung, để có thể xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng Internet ở Việt Nam hiện nay rất cần một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, có khả năng thực thi cao có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, tổ chức xã hội liên quan, sự quan tâm sát sao của các gia đình và nhà trường, sự nâng cao ý thức tự giác của mỗi công dân.

Càng sớm xây dựng và hoàn thiện văn hóa số chừng nào sẽ càng nhanh chóng có “kim chỉ nam” dẫn đường cho các hoạt động trên không gian mạng, hạn chế sự lạc lối trên môi trường mạng của quần chúng nhân dân.