Cần nhiều chính sách để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

(PLVN) - Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trước tiên cần quan tâm đến đời sống của Nhân dân không những về vật chất mà còn cả về tinh thần. Do đó, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách trên nhiều lĩnh vực để Nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 Cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để Nhân dân phản ánh trung thực những tâm tư, nguyện vọng của mình. (Ảnh: Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở Hà Nam. Nguồn ảnh: Hanamtv)
Cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để Nhân dân phản ánh trung thực những tâm tư, nguyện vọng của mình. (Ảnh: Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở Hà Nam. Nguồn ảnh: Hanamtv)

Phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng đã nhấn mạnh vai trò của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Theo Tổng Bí thư, cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết được, một trong số đó là “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Tán thành cao quan điểm trên, ông Đỗ Duy Thường khẳng định, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, quan điểm “dân là chủ” có nhiều ý nghĩa sâu sắc, đòi hỏi các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội phải quán triệt để nắm vững, vận dụng trong công việc hàng ngày tại mỗi đơn vị tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa có vai trò rất quan trọng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã khẳng định, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chế độ xã hội “do Nhân dân làm chủ”, ở đó, quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ và làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng đã nhận thức sâu sắc rằng, để đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất thiết phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bởi “dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”. Do đó, “người lãnh đạo khi đề ra chủ trương, chính sách, đường lối cần luôn luôn nghĩ đến vai trò quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy hết sức mạnh của Nhân dân, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay”, ông Đỗ Duy Thường nhấn mạnh.

Tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ

Ông Đỗ Duy Thường. (Ảnh: Vân Anh)

Ông Đỗ Duy Thường. (Ảnh: Vân Anh)

Ông Đỗ Duy Thường cũng đặc biệt nhấn mạnh cần phát huy tính dân chủ trong lãnh đạo. Cụ thể, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ của mình cần phải quan tâm đến người dân, lắng nghe ý kiến của dân, luôn phải lấy dân làm gốc, nhất là những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội cần làm sao để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân.

Ngược lại, Đảng cũng cần sự nỗ lực của mỗi người dân, bởi chính Nhân dân là những người trực tiếp được hưởng thụ thành quả, kết quả của quá trình phát triển đời sống vật chất và tinh thần mà các đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước mang lại. Cùng với đó, Đảng cần phải dựa vào dân để truyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách... Do đó, mỗi người dân cần có ý thức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên ngoài việc thực hiện tốt vai trò của một công dân, cần có trách nhiệm đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, tuyên truyền, phổ biến hiệu quả, rộng rãi đến nhiều tầng lớp Nhân dân, bảo đảm người dân có nhận thức đầy đủ, chính xác về chủ trương, đường lối của Đảng, tạo dựng niềm tin giữa Đảng với dân.

Xây dựng chế độ dân chủ phải được coi là sự nghiệp cách mạng lâu dài như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần nhấn mạnh. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân với động lực là Nhân dân, sức mạnh là Nhân dân, làm ra của cải là Nhân dân, vì vậy có dân chủ sẽ đem lại vật chất lớn cho dân tộc, cho đất nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Vẫn theo ông Đỗ Duy Thường, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trước tiên cần quan tâm đến đời sống của Nhân dân bởi đây là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân không những về vật chất mà còn cả về tinh thần. Các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cần tạo điều kiện cũng như có những chính sách để phát huy vai trò của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra, cần có những chính sách pháp luật trên các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, văn hoá, đời sống tinh thần để Nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo đó, chính sách hàng đầu cần thực hiện hiện nay là về phát triển sản xuất trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, bởi có sản xuất thì kinh tế đất nước mới phát triển; có phát triển kinh tế, cuộc sống người dân mới ấm no. Do vậy, những chính sách về phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, chính sách đối ngoại… cần được đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để Nhân dân phản ánh trung thực những tâm tư, nguyện vọng của mình, tích cực tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường vai trò giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước… nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ tổ chức Đảng và chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh.

Đọc thêm