Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.
Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )

Báo động đáng lo ngại về bệnh dại

Bệnh dại là bệnh lưu hành phổ biến ở Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi). Trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.

Bị chó cắn hay tiếp xúc với chó, mèo khi có các vết xước trên da thông qua các tương tác hàng ngày, đặc biệt là việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo là nguyên nhân gây ra 99% trường hợp lây truyền bệnh dại sang người.

Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của Humane Society International (HSI) tại Việt Nam cho biết: “Cách loại trừ bệnh dại ở người hiệu quả nhất chính là loại trừ bệnh dại ở chó. Do đó, việc tiêm phòng hàng loạt cho chó là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng nữa là phải bảo đảm rằng những con chó được tiêm phòng đó vẫn ở lại địa phương của chúng để tạo ra khả năng miễn dịch cho đàn. Hầu như không thể đạt được khả năng miễn dịch đàn khi những người buôn bán chó vẫn đang vận chuyển hàng triệu con chó không có sự kiểm soát về dịch bệnh của chính quyền. Mỗi tháng ở Việt Nam có hàng chục nghìn con chó không rõ mầm bệnh và tình trạng tiêm phòng bị nhét lên xe tải và chở từ tỉnh này sang tỉnh khác, phá tan mọi nỗ lực của các nhà quản lý địa phương trong việc tiêm phòng cho chó để phòng tránh bệnh dại và gây nguy cơ lây lan bệnh dại mới. Chúng ta cũng phải ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép những con chó chưa được tiêm phòng và có thể mắc bệnh dại từ các nước láng giềng, bao gồm Campuchia và Lào, điều này đe dọa đến các chương trình kiểm soát bệnh dại của cấp tỉnh”.

Tại Việt Nam, HSI đã vận động chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo kể từ năm 2020. Gần đây nhất, HSI mở rộng chương trình “Mô hình thay đổi” đã thành công tại Hàn Quốc để giúp những người chăn nuôi thịt chó chuyển đổi sang sinh kế mới và từ bỏ hoàn toàn việc buôn bán, giết mổ, bao gồm cả thịt chó, mèo tại lò mổ và nhà hàng ở Việt Nam. Chương trình này tạo điều kiện chuyển nghề cho chủ lò mổ, nhà hàng liên quan đến thịt chó, mèo ở Đồng Nai và Thái Nguyên.

Ngoài ra, HSI hiện có Biên bản ghi nhớ 3 năm với cơ quan quản lý liên quan ở cả hai tỉnh nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết bệnh dại thông qua chương trình tiêm phòng bệnh dại, quản lý đàn chó theo cách nhân đạo, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm ngăn cản việc tiêu thụ thịt chó, mèo và thực thi pháp luật về các hoạt động chống buôn bán chó, mèo.

Cần hành động mạnh mẽ

Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Nielsen (tháng 8 - tháng 9 năm 2023) do HSI thực hiện cho thấy khoảng một phần tư số người dân được phỏng vấn (24%) đã ăn thịt chó trong năm ngoái, đáng chú ý nhất là ở miền Bắc Việt Nam (40%). Một tỷ lệ đáng kể số người được hỏi ủng hộ lệnh cấm - lần lượt 64% và 68% ủng hộ cấm tiêu thụ và buôn bán thịt chó, trong khi 71% ủng hộ tương tự cấm tiêu thụ và buôn bán thịt mèo.

Tiến sĩ Katherine Polak, bác sĩ thú y và Phó Chủ tịch phụ trách Chương trình động vật đồng hành của HSI cho biết: “Việc cho phép hoạt động buôn bán thịt chó, mèo diễn ra, về cơ bản sẽ gây khó khăn cho các chương trình tiêm chủng quốc gia và khiến con người trong chuỗi cung - cầu tiếp xúc trực tiếp có nguy cơ mắc bệnh dại từ chó, mèo bị nhiễm bệnh”.

Các nghiên cứu từ Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia cho thấy chó và xác chó dương tính với bệnh dại thường xuất hiện ở các chợ và lò mổ - trong một nghiên cứu ở Việt Nam, 16,4% mẫu xét nghiệm dương tính và các chủng virus dại khác nhau ở chó bị giết thịt đã được phát hiện. Đã có một số trường hợp tử vong do bệnh dại ở người tại Việt Nam liên quan trực tiếp đến việc giết mổ, xử lý và tiêu thụ thịt của chó bị nhiễm bệnh. Ví dụ, năm 2007 tại Ba Vì bùng phát bệnh dại, theo Cục Thú y, 30% số ca tử vong ở người có liên quan đến phơi nhiễm trong quá trình giết mổ thịt chó. Số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam cho thấy một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân bị nhiễm virus dại sau khi giết, mổ hoặc ăn thịt chó cũng như do bị chó cắn. Nghiên cứu mẫu não chó lấy từ các lò mổ ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam cũng cho kết quả dương tính với virus dại.

Năm 2018 và 2019, chính quyền Hà Nội và TP HCM lần lượt kêu gọi người dân không ăn thịt chó để giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Mặc dù việc bán và tiêu thụ thịt chó không phải là bất hợp pháp ở Việt Nam, nhưng việc vận chuyển chó liên tỉnh không được kiểm soát và nạn trộm cắp thú cưng đều là những hành vi phạm tội có thể bị trừng phạt. Hà Nội và Hội An đã cam kết chấm dứt hoạt động buôn bán này, nhưng việc thực thi pháp luật đối với các hành vi này là rất hiếm.

Đọc thêm