Cần cấp thiết đổi mới
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là yêu cầu bức thiết. Công tác này phải bám sát định hướng cơ bản là thực hiện từng bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ việc đặt trọng tâm vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng nhấn mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng cần cấp thiết đổi mới, nâng cao do tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; tình trạng nhờn luật vẫn diễn ra, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế.
Trước đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022”. Ngày 26/2/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký và ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án này.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Và để chủ động tổ chức triển khai một cách bài bản, chất lượng, hiệu quả Đề án nêu trên, ngày 8/5/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1020/QĐ-BTP, xác định rõ nhiệm vụ, thời hạn và cơ quan chủ trì, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được nêu trong đề án.
Khó khăn trong công tác tổ chức thi hành pháp luật
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp dẫn chứng về tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để tại Hội nghị. Cụ thể từ năm 2014 đến giữa năm 2017 số vụ vi phạm hành chính đã phát hiện là 36.789.227 vụ việc, trong đó đã xử phạt 28.493.927 vụ việc (tỷ lệ số vụ việc ngày càng tăng từ 66% năm 2014 lên 95% năm 2017)...
|
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp |
Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 57.311 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 53.164 đối tượng…
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xử lý hành chính bao gồm luật, gần 100 nghị định, 60 thông tư với khoảng gần 300.000 hành vi vi phạm hành chính (gấp gần 1.000 lần so với hình sự).
Ông Sơn cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong tổ chức thi hành pháp luật gồm 4 điểm chính đó là: Pháp luật chậm đi vào cuộc sống, chậm phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Tình trạng vi phạm pháp luật, nhờn luật diễn ra ngày một nhiều; Tổ chức thi hành pháp luật chật vật, tốn kém thời gian, kinh phí, vất vả, phức tạp, khó triển khai, làm nản lòng các chủ thể thực thi, tạo dư địa cho tiêu cực; Thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa thống nhất, chưa khách quan, công bằng minh bạch làm giảm sút niềm tin của người dân vào tính nghiêm minh của luật pháp; Kỹ năng thực thi pháp luật chưa chuyên nghiệp, kỷ cương thi hành pháp luật, cơ chế kiểm tra, kiểm soát bị buông lỏng, xử lý chưa nghiêm.
|
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia thảo luận tại hội nghị |
Tại Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022”, lãnh đạo các Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phía Nam cũng đã có những báo cáo tham luận và trực tiếp thảo luận về thực trạng triển khai công tác thi hành pháp luật, việc hoàn thiện cơ chế thu thập thông tin và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật... Những ý kiến của lãnh đạo các Sở Tư pháp được ghi nhận và sẽ báo cáo lại lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị ghi nhận những nội dung của đề án và tham mưu lại cho lãnh đạo các tỉnh. Từ đó, giúp cho việc thực hiện và triển khai đề án được hiệu quả và đi đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.