Cần phân biệt rõ để xác định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong THAHS đối với pháp nhân

(PLO) - Theo cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, cơ quan hữu trách cần phân biệt rõ các trường hợp thi hành hình phạt để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của DN.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làm rõ “cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại”

Khoản 24 Điều 3 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS) giải thích: “Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan trực tiếp đến hình phạt và biện pháp tư pháp mà pháp nhân thương mại phải chấp hành, được Toà án giao thực hiện một số nhiệm vụ thi hành hình phạt và áp dụng biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại trong Quyết định thi hành án, Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp”.

Trong văn bản góp ý Dự thảo gửi Bộ Công an, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đơn vị đại diện cộng đồng DN Việt Nam cho rằng, trong nhiều trường hợp sẽ rất khó xác định được cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân là cơ quan nào. Ví dụ, khi một DN kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh và bị phạt tiền thì cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân ở đây là cơ quan quản lý dược, cơ quan quản lý cạnh tranh hay cơ quan thu ngân sách?

Ở đây, vấn đề cần tập trung giải quyết là buộc DN phải thi hành hình phạt. Do đó, theo VCCI, khi xác định cơ quan nhà nước có liên quan nên được phân loại theo từng loại hình phạt cụ thể. Ví dụ, đối với hình phạt tiền là cơ quan thuế, nhưng đối với hình phạt đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực thì là cơ quan quản lý lĩnh vực đó, còn đối với hình phạt cấm huy động vốn là Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý chứng khoán và cơ quan đăng ký kinh doanh… 

“Đề nghị cơ quan soạn thảo đổi tên cụm từ “cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại” thành “cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến thi hành hình phạt”, đồng thời bổ sung quy định về việc xác định cơ quan này tương ứng với từng loại hình phạt và biện pháp tự pháp” – VCCI đề xuất.

Quy định chung chung sẽ khó thực thi

Theo các chuyên gia của VCCI, các quy định của dự thảo hiện mới chỉ tập trung vào trình tự, thủ tục thi hành án nhưng chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của DN khi phải thi hành những hình phạt này. Trên thực tế, khái niệm “hoạt động của pháp nhân thương mại” rất rộng và bao gồm rất nhiều nội dung, từ việc tuyển dụng lao động, trả lương, tập huấn cho người lao động, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà xưởng, mua bán máy móc thiết bị, cho thuê, cho mượn tài sản, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, bán hàng, cung cấp dịch vụ, nhận thanh toán; góp vốn, mua bán cổ phần, cổ phiếu… Mỗi DN kinh doanh trong các ngành nghề khác nhau lại có nội dung hoạt động khác nhau.

Do đó, việc quy định chung chung “đình chỉ hoạt động” có thể sẽ nảy sinh rất nhiều vướng mắc trên thực tiễn. 

Ví dụ, một DN bị tạm đình chỉ 6 tháng với tội gây ô nhiễm môi trường (xuất phát từ hoạt động sản xuất, xả thải của DN đó) thì rõ ràng là cần đình chỉ hoạt động sản xuất. Nhưng các hoạt động khác như: trả lương cho người lao động, tuyển dụng và tập huấn lao động hoặc hoạt động tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm khách hàng, ký kết các hợp đồng giao hàng trong tương lai có bị đình chỉ không? Việc bán những hàng hoá đã sản xuất tồn kho thì sao? Thậm chí việc bán, cho thuê hệ thống máy móc sản xuất, cho thuê lại mặt bằng, nhà xưởng để tận dụng trong thời gian đình chỉ có bị cấm không? DN đó có được nhận thanh toán những khoản tiền theo hợp đồng đã ký kết?

Hoặc, một DN bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn với tội danh buôn lậu khi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thì sẽ bị đình chỉ hoạt động nhập khẩu. Nhưng liệu DN đó có bị đình chỉ sản xuất không? Có bị đình chỉ việc mua nguyên liệu, hàng hoá trong nước để sản xuất không? Có bị đình chỉ bán hàng hoá còn lại trong kho không? Có bị đình chỉ ký kết hợp đồng với nước ngoài để nhập khẩu nguyên liệu mà giao hàng sau thời gian thi hành án không? Có bị đình chỉ việc trả nợ cho ngân hàng không?

Như vậy, với quy định hiện tại, có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và dẫn đến không thống nhất trong thực tiễn áp dụng. “Về vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định rõ từng hoạt động nào DN bị cấm và không bị cấm thực hiện trong quá trình thi hành án đình chỉ hoạt động, tương ứng với từng tội danh” – văn bản của VCCI nêu.

“Ví dụ, các hoạt động trong mối quan hệ với người lao động sẽ không bị đình chỉ, những hoạt động trong quan hệ với cổ đông, người góp vốn vào DN cũng không bị đình chỉ (trừ khi DN bị kết án theo tội Thao túng chứng khoáng và tội Rửa tiền), thực hiện những nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người tiêu dùng, khách hàng, chủ nợ theo hợp đồng đã ký kết trước khi bản án có hiệu lực”.

Hơn nữa, mặc dù cùng một hình phạt là đình chỉ vĩnh viễn, song hệ quả pháp lý của việc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động trong một số lĩnh vực và đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ pháp nhân thương mại rất khác nhau.

Trong trường hợp đầu tiên, pháp nhân đó vẫn tồn tại và vẫn có thể hoạt động trong những lĩnh vực khác, không bị đình chỉ. Địa vị pháp lý về dân sự và địa vị pháp lý về hành chính trong những lĩnh vực khác của DN không bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp sau, pháp nhân buộc phải bị xoá bỏ và cần được xử lý theo thủ tục giải thể thụ động theo quyết định của cơ quan nhà nước. Việc xử lý chấm dứt hoặc kế thừa địa vị pháp lý của DN được đặt ra.

Do đó, cộng đồng DN đề nghị cơ quan soạn thảo phân biệt hai trường hợp này để có những quy định phù hợp. Đối với trường hợp đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ DN thì cần tham khảo quy định tại Luật DN và văn bản hướng dẫn về thủ tục giải thể, nhưng cần lưu ý điều chỉnh vì đây là giải thể thụ động. 

Đọc thêm