Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Trước khi tiến hành thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã xem video clip về tư liệu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Tại dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật hiện hành, Cụ thể là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Trong đó, điểm đ khoản 4 dự thảo Luật quy định phạm tội thuộc trong một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân, hoặc tù chung thân không xem xét giảm án khi chết 2 người trở lên, là một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm góp ý.
![]() |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Với tư cách là người thuộc cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị khung hình phạt cao nhất phải là tử hình chứ không chỉ chung thân với sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là sữa và thực phẩm chức năng vì nó ảnh hưởng đến người yếu thế trong xã hội, sức khỏe và niềm tin của toàn dân.
Nhấn mạnh đừng xuê xoa với tội phạm, ĐB cho rằng, án tử hình không phải là biện pháp duy nhất nhưng ít ra cũng góp phần trong việc lập lại trật tự và cho thấy quyết tâm trong việc không khoan nhượng và luôn quyết liệt để chống lại tội ác này.
ĐB Phong Lan còn bày tỏ băn khoăn khi không còn hình phạt tử hình đối với tội danh tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy trái phép, sản xuất kinh doanh thuốc giả.
“Lực lượng chấp pháp, cơ quan hành pháp đã phải hết sức vất vả để kìm hãm các loại tội phạm này, và kịp thời phát hiện để xử lý vậy tại sao lại giảm án?”, ĐB nêu vấn đề và cho rằng đang không có sự logic.
“Nếu chúng ta nêu ra lý do phải nhân văn với tội phạm, hòa nhập với thế giới thì thân nhân của những nạn nhân, những người đã chết vì tội này sẽ cảm thấy thế nào?”, ĐB phân tích, đồng thời chỉ ra đa số tội phạm biết rõ hậu quả gây ra sẽ như thế nào, gây ra tác hại gì nhưng họ vẫn bất chấp.
Từ những phân tích trên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng vẫn cần giữ mức án cao nhất là tử hình đối với những trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng. Đây cũng là sự chứng minh để cho Nhân dân thấy Quốc hội xây dựng luật là vì Nhân dân, vì xã hội, phải có môi trường an toàn cho người dân.
Ủng hộ chủ trương bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh phù hợp với xu thế quốc tế, song ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cũng cho rằng riêng đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cần cân nhắc kỹ, đặc biệt đối với các trường hợp đặc biệt được ân giảm phải nghiên cứu quy định rõ, cụ thể hóa. Đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bệnh viện khi để lọt thuốc chữa bệnh giả tiêu thụ tại đây.
Nhất trí cao việc dự thảo Luật đã tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh... tại các Điều 192, 193, 194, 195 và 317 Bộ luật Hình sự, ĐB Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, đây là loại tội phạm đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Do tính chất phức tạp, nguy hiểm và hậu quả của loại tội phạm này đối với xã hội là không thể đo đếm được, ĐB Nguyễn Tiến Nam đề nghị nâng mức phạt tiền lên cao hơn có thể là 3-4 lần so với mức tăng 2 lần như dự thảo Luật đối với các loại tội phạm về hàng giả quy định tại các điều trên.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Chung nhận định, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, mức phạt như dự thảo Luật chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội, chưa thể hiện sự răn đe đối với các loại tội phạm này trên thực tế.
ĐB nhấn mạnh, cần phải kiên quyết đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. “Việc áp dụng khung hình phạt như vậy là chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội. Nếu chúng ta khoan nhượng với tội danh này vô hình chung sẽ tiếp tay giết người hàng loạt trong tương lai sau này, tác động đến cộng đồng”, ĐB Nguyệt nêu quan điểm.