Thủ tục là một lợi thế cạnh tranh của ngân hàng
Điều 13 Dự thảo quy định rất chi tiết, cụ thể về cách thức thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại TCTD, chi nhánh NHNN, qua đó suy đoán sẽ tạo ra sự thống nhất và thuận lợi hơn cho khách hàng cũng như ngân hàng trên thực tế áp dụng.
Liên quan đến các quy định chi tiết về hoạt động giao dịch trên, các chuyên gia từ VCCI – đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – cho rằng, giao dịch tiền gửi có kỳ hạn là hoạt động có tính đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng và có thể tác động đáng kể đến một số lợi ích công cộng, do đó Nhà nước cần có những quy định về hoạt động này để kiểm soát rủi ro là hợp lý. “Tuy nhiên, quy định can thiệp sâu đến mức nào thì cần phải cân nhắc” – văn bản của VCCI gửi Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Xét về bản chất, giao dịch tiền gửi có kỳ hạn là một giao dịch có tính chất tư, được xác lập dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Vì vậy một số quy định quá cụ thể, chi tiết, đặc biệt liên quan đến thủ tục giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng, dường như là đang sự can thiệp quá sâu vào mối quan hệ “tư” này.
Trên thực tế, thủ tục giao dịch tiền gửi có kỳ hạn, trong nhiều trường hợp là một trong những phương thức để thu hút khách hàng, ngân hàng sẽ đặt ra các quy trình thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng khi giao dịch nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được tính an toàn, phòng ngừa rủi ro của hoạt động này. Nếu yêu cầu phải áp dụng một cách cứng nhắc các quy trình, thủ tục chi tiết, cụ thể như trong Dự thảo sẽ làm giảm đi lợi thế này của các ngân hàng.
“Do đó, có thể cân nhắc sửa đổi quy định về thủ tục giao dịch tiền gửi có kỳ hạn theo hướng chuyển các thủ tục tại Điều 13 thành thủ tục có tính dự phòng, áp dụng trong trường hợp TCTD, chi nhánh NHNN không quy định về thủ tục này” – VCCI đề xuất.
Bảo mật thông tin khách hàng: tuân thủ quy định nào?
Điểm b khoản 1 Điều 17 Dự thảo quy định về quyền của khách hàng là “được TCTD, chi nhánh NHNN đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin về giao dịch tiền gửi có kỳ hạn”.
Tuy nhiên, một số quy định pháp luật khác lại đang cho phép các tổ chức này được tiết lộ một phần thông tin, cho một số chủ thể nhất định. Ví dụ, theo Nghị định 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010 về hoạt động thông tin tín dụng, thì tổ chức tín dụng có thể cung cấp một số thông tin của khách hàng cho tổ chức thông tin tín dụng và sẽ được công ty thông tin tín dụng sử dụng để cung cấp dịch vụ. Vì thế, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ về các thông tin được bảo mật của khách hàng để tránh xung đột giữa các quy định của pháp luật và đảm bảo tính minh bạch của chính sách.