Cần siết chặt cơ chế theo dõi Thi hành án hành chính

(PLVN) -Thực tiễn công tác theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) thời gian qua cho thấy, quá trình tổ chức, theo dõi THAHC còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến số lượng bản án hành chính vẫn còn tồn đọng nhiều.

Nhiều bản án chậm thi hành

Theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC đã thống kê còn 21 bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016 (ngày Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) chưa được thi hành, đáng chú ý nhất là những bản án tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người dân. Thực tiễn công tác theo dõi THAHC thời gian qua cũng cho thấy, hiệu quả tổ chức THAHC còn nhiều hạn chế, quá trình tổ chức, theo dõi THAHC còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến số lượng bản án hành chính vẫn còn tồn đọng nhiều. Chính bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này là rất cần thiết.

Trong thực tiễn, có những trường hợp cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền lấy lý do là đã làm văn bản đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên không thi hành án. Lý do này chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về THAHC hiện nay. Theo quy định tại Điều 261 Luật TTHC năm 2015 về hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì chỉ có người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mới có quyền hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời chỉ có người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Việc đề nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm là không đủ căn cứ và có thể là một trong những lý do dẫn đến bản án, quyết định chậm được thi hành. Do đó, cần siết chặt cơ chế theo dõi THAHC, tránh trường hợp cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền lấy lý do là đã làm văn bản đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên không thi hành án. Có biện pháp xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm, không thực hiện quyết định buộc THAHC.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra

Trong một số vụ việc, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ THAHC nhưng việc xử lý vi phạm trong THAHC còn hạn chế, nhiều hành vi chưa bị xử lý hoặc mức độ xử lý còn nhẹ. Mặc dù Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn ,trìnhtự thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đốivới người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, pháp luật đã quy định tương đối cụ thể về việc xử lý vi phạm trong THAHC nhưng việc áp dụng các biện pháp này vào thực tiễn còn chưa nhiều. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, làm cho Bản án, Quyết định của Tòa án được tôn trọng và thực thi trên thực tế thì cần phải tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong THAHC.

THAHC chủ yếu được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án (thường là các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn) có trách nhiệm (tự mình) nghiêm chỉnh chấp hành các nghĩa vụ theo Bản án, Quyết định của Tòa án dưới sự giám sát của nhiều chủ thể khác nhau. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả THAHC, cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa tất cả các chủ thể này.

Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan THADS trong việc theo dõi công tác THAHC. khoản 2 Điều 312 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THAHC... Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THAHC theo quyết định của Tòa án”. Đây là quy định hiếm hoi trong Luật TTHC năm 2015 xác định trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS. Việc cơ quan THADS phải theo dõi 100% Bản án, Quyết định về vụ án hành chính do Tòa án chuyển giao (bao gồm cả bản án tuyên chấp nhận và bản án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự) làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn cho các cơ quan THADS. Mặc dù Tổng cục THADS đã ban hành Công văn số 16/TCTHADS-NV3 ngày 05/01/2021 và Công văn số 668/TCTHADS-NV3 ngày 04/3/2021 về công tác theo dõi THAHC thực hiện từ ngày 01/01/2021, tuy nhiên vẫn cần có quy định cụ thể hơn, có giá trị pháp lý cao hơn quy định về phạm vi, mức độ thực hiện, các công việc cụ thể trong việc theo dõi THAHC của cơ quan THADS.

Đọc thêm