Cần siết chặt quy định sử dụng điện thoại khi lái xe

(PLVN) - Theo dự thảo của Bộ Công an trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô đang di chuyển sẽ bị cấm. Đề xuất này được xem là phù hợp với thực tiễn và xu thế trên thế giới.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Nguy cơ tai nạn cao

Vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày. Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông không ít hơn với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia.

Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời gây tai nạn là tất yếu.

Thực tế đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn. Không những vậy, đây còn là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động.

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hơn 1,25 triệu người thiệt mạng và từ 20- 50 triệu người khác bị thương do TNGT. Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tại Việt Nam, mặc dù, gần như tất cả những người tham gia giao thông đều nhận thức được việc sử dụng điện thoại khi lái xe đều rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể. 

Luật hóa cấm sử dụng điện thoại khi lái ô tô

Hiện nay, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải ở nước ta.

Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mặc dù đã đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên cũng tồn tại rất nhiều bất cập như: chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát bảo đảm sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; từ đó đã dẫn đến hệ quả là mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn. 

Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ có quy định cấm người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, còn người điều khiển ô tô không có quy định rõ ràng.

Tuy nhiên, Công ước Vienna về giao thông đường bộ mà Việt Nam đã tham gia thì có quy định bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển mọi loại phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển. Theo dự thảo của Bộ Công an trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thì hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô đang di chuyển sẽ bị cấm.

Trước khi Bộ Công an có đề xuất này, nhiều cá nhân, lãnh đạo các đơn vị trong công tác quản lý giao thông cũng đã từng có kiến nghị, đề xuất cần phải nâng cao mức xử phạt hoặc cấm hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô bởi họ cho rằng mức xử phạt hành vi này là quá nhẹ. Cụ thể, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”.

Còn tại Nghị định 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2017 cũng quy định: “Xử phạt 600.000 – 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển ô tô và các loại tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường”. 

Đánh giá về mức xử phạt vi phạm hiện nay, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến hành vi này. Do đó, tới đây cần nâng mức xử phạt đối với hành vi này. Đối với lái xe ô tô vi phạm có thể xử phạt ở mức từ 4-5 triệu đồng; với mô tô, xe máy khoảng 2-3 triệu đồng”.

TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức đề xuất, với điện thoại rảnh tay (kết nối Bluetooth), thì luật nên cho phép sử dụng khi điều khiển phương tiện giao thông: “Có thể cho phép sử dụng các công nghệ kết nối như Bluetooth giúp người lái xe có thể liên lạc qua điện thoại, nhưng hoàn toàn rảnh tay để có thể tập trung lái xe an toàn, kèm theo đó là các hướng dẫn, khuyến cáo chặt chẽ và cụ thể khi sử dụng loại điện thoại rảnh tay trong khi điều khiển phương tiện”, ông Tuấn nói.  Bên cạnh các ý kiến từ nhà quản lý, các chuyên gia, người dân cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Công an trong việc cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển.

Đọc thêm