Cần sớm xây dựng hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên

(PLO) - Đó là quan điểm của hầu hết các đại biểu tại Hội thảo “Nghiên cứu sự cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên ở Việt Nam” khi tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang diễn ra ngày càng phổ biến nhưng lại chưa có hệ thống tư pháp riêng áp dụng cho lứa tuổi này. Hội thảo được tổ chức sáng qua (13/7) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu.

Báo động tình trạng vi phạm pháp luật tuổi chưa thành niên

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa, tuổi chưa thành niên chưa phát triển toàn diện về nhận thức nên mục đích xử lý vi phạm những đối tượng vừa mang tính răn đe, vừa giáo dục để các em trưởng thành. Cho rằng nhiều cách xử lý vi phạm của học sinh ở trường học như đuổi học, tạm đình chỉ học không phải là biện pháp tốt, bà ví dụ về cách giáo dục trẻ em ở Đức: “Các trò chơi có thưởng cho tuổi vị thành niên ở Đức, tiền mặt không quá 10 đồng, hiện vật không quá 20 đồng. Họ không bán bia, rượu ở những nơi tuổi này dễ tiếp cận. Cách phòng tránh từ xa để các em không vi phạm là điều nên làm”. 

Còn ông Khổng Ngọc Oanh, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) nêu lên thực tiễn nhiều em 16, 17 tuổi nhưng đã có hành vi vi phạm pháp luật rất thủ đoạn, bài bản. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm là do những đối tượng này sống trong hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ li dị, mải mê làm ăn không quan tâm con cái; môi trường sống gia đình bạo lực. Từ đó, các em sinh ra tiêu cực, bất mãn, thích làm theo ý mình, dễ bị dỗ dụ, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. “Thực tế đã và đang chứng minh ngày càng có nhiều vụ án xảy ra xuất phát từ lứa tuổi chưa thành niên song các thiết chế tư pháp dành riêng cho trẻ em hầu như không có”, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội ái ngại.

Sẽ có hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên?

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu, thời gian qua Việt Nam có nhiều nỗ lực làm hài hòa hệ thống pháp luật, chính sách quốc gia tư pháp về tuổi vị thành niên, phù hợp với công ước về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống xử lý trẻ em vi phạm cũng như hệ thống bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong các hoạt động tố tụng của nước ta còn một số bất cập. 

Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở nước ta được thực hiện theo hai hệ thống xử lý là hình sự và hành chính, có các biện pháp trùng về tên gọi, tính chất như giáo dục tại xã, phường, thị trấn với đưa vào trường giáo dưỡng nhưng thủ tục, đối tượng áp dụng lại khác nhau. Điều này làm giảm hiệu quả giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật, gây khó khăn đối với người thực thi và người giám sát; khó khăn cho cả việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, biện pháp thay thế xử lý trong pháp luật hình sự.

Cũng theo Thứ trưởng, các quy định của pháp luật về tư pháp đối với tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật đã có nhưng lại nằm rải rác tại nhiều đạo luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…. Các đạo luật này do các cơ quan soạn thảo khác nhau nên không tránh khỏi có những quy định chưa thống nhất. “Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, đề xuất mô hình hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên, trong đó có tính đến khả năng ban hành một luật riêng, thân thiện đối với lứa tuổi này”, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho biết.

Đọc thêm