Cần sửa cơ chế quản lý khai thác khoáng sản

Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khoáng sản, nhìn chung các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều nhận định, tình hình khai thác khoáng sản hiện nay “tùy tiện, bát nháo, bừa bãi”, lãng phí tài nguyên.

Chiều qua (2/6), thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khoáng sản, nhìn chung các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều nhận định, tình hình khai thác khoáng sản hiện nay “tùy tiện, bát nháo, bừa bãi”, lãng phí tài nguyên.

Tùy tiện và lãng phí: Đó là thực trạng khai thác khoáng sản hiện nay

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) nhận định, khai thác tận thu nên tổn thất lớn, “nguồn thu không tương xứng với mức độ đầu tư nên lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp, người dân không được hưởng gì ngoài môi trường ô nhiễm, bệnh tật, tệ nạn xã hội...”.

Nhiều ĐB đã lo ngại không còn tài nguyên khoáng sản cho các thế hệ mai sau vì theo ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), “với tốc độ và cách thức khai thác hiện nay, khéo chưa hết đời ta đã hết tài nguyên”.

Hiện ta mới khai thác theo kiểu “tàn sát bề mặt”, chứ chưa khai thác đến độ sâu cần thiết, “bỏ quên” những tầng khó khai thác nên lãng phí tài nguyên là nhận xét của ĐB Lê Văn Thành (Hải Phòng).

Trước tình trạng đó, các ĐB đề nghị cần xây dựng chiến lược quốc gia về khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, khai thác lâu dài, để dành chế biến trước khi xuất khẩu.

Đồng thời, đưa vào dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) các qui định để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tránh khai thác tài nguyên thô để bán rẻ, mà khai thác phải chế biến được sản phẩm cần thiết.

Hơn nữa, tình trạng khai thác lậu hoành hành, ngăn chặn như “ném đá ao bèo” khiến đất nước mất nhiều tài nguyên là do quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và không phân định rõ thẩm quyền.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận thấy, sau khi cấp phép khai thác thì không ai quản lý, giám sát hoạt động khai thác.
 
Do đó, các ĐB đều nhất trí cần có qui định cụ thể, rõ ràng hơn vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng khi xử ra vấn đề thì đổ thừa cho nhau.

Phải chấn chỉnh chế độ cấp phép, tránh tiêu cực, xin cho, cũng như qui định để chính quyền địa phương cấp phép khai thác khoáng sản, được hưởng tỷ lệ % từ hoạt động này để quản lý khai thác khoáng sản tốt hơn như ý kiến của ĐB Cuông.

Nhóm PV

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Khai thác để biến vùng đất có mỏ thành nghèo khổ là không được
Sắp tới phải qui định trả lại mặt bằng như trước khi khai thác khoáng sản, nếu không làm được thì không cho khai thác. Hiện ta chưa làm được việc này. Nếu khai thác tài nguyên mà biến vùng đất có mỏ thành nghèo khổ, rồi mang tài nguyên đi là không được.
Việc phân cấp quản lý khai thác khoảng sản cũng chưa rõ ràng. Hậu quả xã hội và môi trường ở những khu vực có mỏ tài nguyên không được ai giải quyết. Hậu quả ở vùng khai thác khoáng sản là rất lâu dài vì “Ánh sáng của ngọn đèn trên cột thường không chiếu sáng được bản thân cây cột”.
Tôi chưa thấy thỏa mãn về công tác quản lý khai thác khoáng sản nên trong lần sửa đổi Luật Khoáng sản này phải qui định được kỷ cương quản lý khoa học, chặt chẽ hơn, kiểm soát tài nguyên tốt hơn bằng trình tự khai thác, chế biến mang lại hiệu quả cho đất nước, có biện pháp để người dân vùng có tài nguyên có cuộc sống tốt hơn.
Thời gian qua, việc khai thác khoáng sản diễn ra tùy tiện. Cơ chế “xin cho” khiến người được cấp phép chưa chắc là người khai thác nên cần thiết lập được cách quản lý các khu khai thác tài nguyên khoáng sản. Do trình độ, hiểu biết của ta còn hạn chế nên phải có cách tiếp cận mới về tài nguyên khoáng sản, cần thiết lập cơ chế quản lý, khắc phục tình trạng này.
Sửa luật để quản lý tốt hơn, nhưng không phải là giữ khư khư khoáng sản không cho khai thác mà để khai thác hiệu quả, tránh phân tán tài nguyên”
./.

Đọc thêm