Cần tăng cường trách nhiệm của sàn TMĐT trong phòng, chống hàng giả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rất nhiều vụ việc bán hàng giả đã được phát hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok nhưng vụ thu giữ 5 tấn gạo giả mạo nhãn hiệu trên sàn Shopee vừa qua là vụ việc đầu tiên được phát hiện trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Lực lượng QLTT Bắc Ninh kiểm tra kho gạo kinh doanh trên sàn TMĐT. (Ảnh: DMS)
Lực lượng QLTT Bắc Ninh kiểm tra kho gạo kinh doanh trên sàn TMĐT. (Ảnh: DMS)

Vụ bán gạo giả mạo nhãn hiệu đầu tiên trên sàn thương mại điện tử

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Ninh) triệt xóa một cơ sở sản xuất gạo ST25 giả mạo nhãn hàng hóa và bao bì “Gạo Ông Cua” trên địa bàn huyện Tiên Du, thu giữ hơn 5 tấn hàng hóa vi phạm. Đây là vụ việc đầu tiên được phát hiện trên nền tảng sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Đại diện Cục QLTT Bắc Ninh cho biết, qua theo dõi, Đội QLTT số 3 đã phát hiện tài khoản trên sàn shopee “Đại lý Gạo Hồng Anh” đăng bán sản phẩm “Gạo Ông Cua” có giá rẻ hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại được chính doanh nghiệp sở hữu bán. Nhưng các thông tin về tài khoản, các dấu vết về cơ sở đăng bán trên Shopee rất “mơ hồ”.

Do đó, Đội QLTT số 3 đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Ninh) theo dõi từng vận đơn cũng như lọc từng phản hồi của khách hàng về sản phẩm sau mỗi đơn hàng được giao dịch thành công của đại lý online này. Từ đó phát hiện ra địa điểm thực hiện các giao dịch kinh doanh của tài khoản này và lên kế hoạch phục kích.

Chiều tối ngày 6/6/2024, khi xe giao hàng tới địa điểm nhận đơn, Đội QLTT số 3 đã cùng lực lượng phối hợp kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh lương thực đại lý gạo Mỳ Tịnh tại thôn Phúc Nghiêm, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, Đoàn kiểm tra bắt quả tang các công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói gạo từ các bao lớn sang các bao bì loại 5kg thể hiện thương hiệu “Gạo Ông Cua và hình”.

Ngoài tên thương hiệu, trên các nhãn bao bì hiển thị đầy đủ thông tin về website, doanh nghiệp sản xuất và địa chỉ công ty của sản phẩm chính hãng. Tại thời điểm kiểm tra, 160 bao “Gạo Ông Cua” đã được đóng thành phẩm để sẵn sàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Đoàn kiểm tra đã thu giữ toàn bộ hàng hóa trong kho, ước tính khoảng 5 tấn gạo có dấu hiệu vi phạm.

Được biết, đại diện theo ủy quyền của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (đơn vị sở hữu thương hiệu gạo Ông Cua) đã có văn bản khẳng định toàn bộ hàng hóa mà Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

Cần tăng cường trách nhiệm của chủ sàn

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đánh giá, mặc dù giá trị hàng hóa vi phạm không lớn nhưng đây là vụ việc điển hình, bởi lúa gạo là mặt hàng đặc biệt, là sản phẩm của bà con nông dân.

Thương hiệu “Gạo Ông Cua” cũng là niềm tự hào của Việt Nam. “Việc xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mất uy tín trên thị trường” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.

Đáng chú ý hơn, đây là vụ việc kinh doanh được thực hiện trên nền tảng TMĐT. “Theo nhận định ban đầu, đến 90% khối lượng của hộ kinh doanh này được bán trên sàn TMĐT Shopee, chỉ có một số ít các giao dịch mua bán được thực hiện trực tiếp theo cách truyền thông tại cơ sở” - ông Đỗ Anh Tuấn - Đội trưởng Đội QLTT số 3 thông tin.

Trong khi đó, phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên TMĐT là lĩnh vực được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm bởi sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh doanh trực tuyến.

Thủ tướng cũng đã có quyết định phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Trong đó, có yêu cầu các sàn TMĐT, đặc biệt các sàn lớn và những hạ tầng mạng xã hội thực hiện ký cam kết ràng buộc về chất lượng hàng hóa đối với từng chủ thể kinh doanh, đồng thời có công cụ để kiểm soát, xử lý chặt chẽ.

Rất nhiều đại diện các Bộ, ngành cũng đã từng lên tiếng về việc cần phải gắn trách nhiệm, tăng cường trách nhiệm của chủ sàn TMĐT cũng như chủ các nền tảng mạng xã hội với hàng hóa được bán trên các nền tảng của mình. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, riêng trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, Tổng cục đã kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch TMĐT. Trong đó cần phải tăng tính chịu trách nhiệm của chủ kênh/tài khoản trên mạng xã hội, các chủ sàn TMĐT để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý những hành vi vi phạm trong kinh doanh trên nền tảng trực tuyến.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích TMĐT Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

Đọc thêm