Cần thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực

(PLVN) -Thời gian qua, Tòa án nhân dân đã từng bước được kiện toàn về tổ chức và hoạt động; đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đã được đặt ra về chức năng, nhiệm vụ; uy thế, vị thế của Tòa án được nâng lên. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của Tòa án nhân dân vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.

Xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn

TANDTC cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về việc xét xử các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 386.165 vụ với 650.546 bị cáo, đã giải quyết, xét xử được 384.209 vụ với 641.616 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,5% về số vụ và 98,6% về số bị cáo. Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án tăng lên, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Đặc biệt tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế lớn, phức tạp được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và nhân dân, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính, các Tòa án đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc thuộc thẩm quyền, đảm bảo việc giải quyết các vụ việc đúng pháp luật, qua đó bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Đối với các vụ việc dân sự, các Tòa án đã thụ lý 1.894.472 vụ việc dân sự; đã giải quyết được 1.842.684 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đối với các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 36.354 vụ, giải quyết, xét xử được 32.466 vụ, đạt tỷ lệ 89,3%.

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu “đột phá”

Hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức theo 4 cấp, bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, 03 Tòa án nhân dân cấp cao, 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 710 Tòa án nhân dân cấp huyện. Nếu xét theo thẩm quyền xét xử, hệ thống Tòa án nhân dân có thể phân chia thành 773 Tòa án cấp sơ thẩm (bao gồm 710 Tòa án cấp huyện và 63 Tòa án cấp tỉnh), 66 Tòa án cấp phúc thẩm (bao gồm 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 03 Tòa án nhân dân cấp cao), 04 cơ quan xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm (bao gồm 03 Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Về cơ cấu tổ chức của mỗi Tòa án, cho đến nay đã và đang được kiện toàn theo đúng quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, việc tổ chức bộ máy tại Tòa án các cấp vẫn còn một số bất cập, chưa hợp lý; chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng, chồng chéo cần nghiên cứu để hoàn thiện. Đặc biệt, hiện nay, việc tổ chức các Toà án nhân dân cấp huyện chưa có sự thay đổi mang tính đột phá, về cơ bản vẫn được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện và số lượng biên chế chưa đáp ứng đủ để các Toà án nhân dân cấp huyện thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.

Do đó, TANDTC đề nghị triển khai việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, trong đó tổ chức đầy đủ các Tòa chuyên trách như tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện hiện nay. Trước mắt, cần thực hiện thí điểm sáp nhập các Tòa án cấp huyện có quy mô nhỏ. Sau 02 năm thực hiện thí điểm sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện tổ chức bộ máy của từng cấp Tòa án; Nghiên cứu, làm rõ nội hàm vị trí, vai trò “trung tâm” của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; xét xử là hoạt động “trọng tâm” trong hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu “đột phá” của hoạt động tư pháp.

Cho tới nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 43 án lệ, trong đó có 07 án lệ về hình sự, 24 án lệ về dân sự, 01 án lệ về hôn nhân và gia đình, 08 án lệ về kinh doanh thương mại, 02 án lệ về hành chính và 01 án lệ về lao động. Ngay sau khi án lệ được công bố, các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết các vụ việc tương tự. Đến ngày 04/11/2020, đã có 922 bản án, quyết định của Tòa án đã viện dẫn áp dụng án lệ.

Đọc thêm