Cần tháo gỡ 4 vướng mắc về Luật liên quan đến đất đai và thị trường bất đồng sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, hiện nay có ít nhất 4 vướng mắc cần sớm được tháo gỡ trong luật liên quan đến đất đai và thị trường bất động sản.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi chính sách, pháp luật để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng một trong những kỳ vọng của thể chế phát triển kinh tế là phải phục hồi và thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bất động sản còn tồn tại một số điểm nghẽn cần tháo gỡ để góp phần phục hồi sự phát triển của thị trường bất động sản sau đại dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, hiện nay có ít nhất 4 vướng mắc cần sớm được tháo gỡ trong luật liên quan đến đất đai và thị trường bất động sản.

Thứ nhất, vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đấu thầu năm 2013. Cụ thể, về hình thức giao đất sau khi trúng đấu thầu dự án; về thời điểm giao đất, định giá đất sau khi trúng đấu thầu.

Thứ hai, vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 trong đó có thể kể đến điển hình là sản phẩm bất động sản du lịch chưa có định danh rõ ràng.

Tại thời điểm ban hành Luật Đất đai 2014, lúc đó bất động sản du lịch chưa phát triển, cho đến năm 2016 khi bất động sản du lịch phát triển thì các địa phương lúng túng. Do đó, nhiều địa phương đã thực hiện việc “đánh tráo khái niệm” thành “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Do đó, trong lần sửa đổi luật sắp tới, trong Luật Kinh doanh Bất động sản cần định danh được bất động sản du lịch với các tiêu chí rõ ràng.

Trong Luật Kinh doanh bất động sản cần phải sửa và bổ sung thêm các quy hoạch để đón nhận những sản phẩm mới trong tương lai. Ví như đến năm 2020 - 2030 khi Việt Nam bước sang thời kỳ dân số già, sự thay đổi quan niệm, mức độ sống hình thành nhu cầu về dưỡng lão. Như vậy sẽ mở ra một phân khúc mới, vậy thì lúc này các nhà làm luật cần phải tính đến.

Thứ ba, vướng mắc về câu chuyện thuê đất. Nhà xây dựng hết 50 năm thì phải xử lý ra sao? Đặc biệt là những người mua nhà chung cư họ chỉ có hạn sử dụng 50 năm thì họ phải mua lại hay “xóa đi, làm lại”? Đây là điều Luật còn bỏ ngỏ và chắc chắn 50 năm sau sẽ có những tranh cãi xảy ra.

Thứ tư, bất cập giao dịch về nhà đất: Khi bán nhà cần chuyển nhượng sử dụng đất nhưng hợp đồng giao dịch đang có bất cập. Việc chưa quy định cụ thể về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng của Luật Đất đai năm 2013 sẽ gây khó khăn cho việc xác định hiệu lực của hợp đồng đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở, gây cản trở đến quá trình xây dựng nhà đất.

Ngoài ra, hiện nay, người dân cũng chưa được tham gia vào việc xây dựng giá đất. Tư duy này cần thay đổi, thực hiện khảo sát xem bao nhiêu % người dân đồng thuận hay không đồng thuận về bảng giá đất… Cần tạo cơ chế cho người dân tham gia với sự dân chủ và đồng thuận hơn.

Thêm vào đó, định vị quy hoạch sử dụng đất nằm ở đâu trong quy hoạch chung của đô thị cũng cần được xem xét. Việc triển khai lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị có mâu thuẫn, trùng lắp gây khó khăn trong quá trình thực hiện, mục đích sử dụng đất ở một số vị trí không thống nhất với nhau, dẫn đến trường hợp người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất nhưng không được cấp phép xây dựng do không phù hợp với quy hoạch đô thị.

Trong việc thực thi luật, nên đặt ra nguyên tắc, các quan hệ xã hội liên quan đến sử dụng đất thì nên dẫn chiếu theo Luật Đất đai, tránh việc khi xuất hiện một luật mới thì lại xa rời Luật Đất đai.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung sửa đổi 4 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức phát triển quỹ đất; hoàn thiện quy định về các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án đầu tư và thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào sửa đổi 4 Nghị định thi hành Luật Đất đai là Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Nghị định 44/2014/NĐ-CP; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP và Nghị định 148/2020/NĐ-CP.

Theo đó, dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức phát triển quỹ đất; hoàn thiện quy định về các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án đầu tư và thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất.

Dự thảo Nghị định cũng sẽ xác định lại đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn ao hình thành trước ngày 18/12/1980, nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định; cũng như việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước đang sử dụng không thuộc trường hợp đất của các công ty nông, lâm trường sau khi được sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động…

Đọc thêm