Cần thiết bổ sung quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng

(PLVN) - Sáng 27/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu cho rằng việc dự thảo Luật bổ sung quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết, với mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh gắn với phòng thủ quốc gia.
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, tổ hợp công nghiệp quốc phòng có vị trí, vai trò quan trọng trong nền công nghiệp quốc phòng nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

Mục tiêu hàng đầu xây dựng và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng là nghiên cứu phát triển và chế tạo vũ khí, trang bị để trang bị cho quân đội và xuất khẩu; đồng thời, tham gia sản xuất các mặt hàng dân dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc dân.

Theo đại biểu, tổ hợp công nghiệp quốc phòng liên quan đến tiềm lực, sức mạnh quốc phòng; đến sự an nguy và thịnh vượng của quốc gia. Các dây chuyền sản xuất có thể linh hoạt chuyển hóa để vừa phục vụ các nhu cầu kinh tế, vừa có khả năng đáp ứng nhanh các nhu cầu quốc phòng trong thời chiến.

Vì vậy, khi được quy định vào luật, tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển sẽ tăng. Đây là nguồn gốc sản sinh ra công nghệ mới, có vai trò và vị trí then chốt, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong thời kỳ hậu công nghiệp.

Việc dự thảo Luật bổ sung quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết, với mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh gắn với phòng thủ quốc gia.

“Nếu dự thảo Luật được thông qua thì đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng”, đại biểu nhận định.

Cũng theo đại biểu, điều này là phù hợp nhằm thể chế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021- 2030) và Nghị quyết số 08-NQ/TW về việc tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại, vừa sản xuất, vừa sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm.

Xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là phù hợp

Một nội dung khác được đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là quy định về việc xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh. Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đưa ra 2 phương án.

Phương án 1 đề xuất hình thành Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật bổ sung 1 Điều (Điều 20 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) quy định về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Phương án 2 không quy định về Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vì chưa phù hợp với chủ trương hạn chế hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Tán thành với phương án 1, đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng Việt Nam phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, theo đại biểu, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn.

Trong khi đó, nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm, nâng cấp vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ mà ít được bố trí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, muốn tiếp cận nhanh với nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiệm cận với các nước có nền công nghiệp quốc phòng, an ninh phát triển thì việc bổ sung quy định về Quỹ này nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp quốc phòng, an ninh nước nhà.

Theo đại biểu, Điều 20 dự thảo Luật quy định Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là cần thiết để đảm bảo việc sử dụng Quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng tán thành với phương án 1 vì Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh có tính đặc thù và khác so với tất cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đại biểu đề nghị, cần quy định đặc thù hơn so với quỹ tài chính ngoài ngân sách khác vì Quỹ này chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp, quốc phòng, an ninh mới, nằm trong chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia.

Đọc thêm