Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Dương Phước Hoàng Khánh, Trưởng Văn phòng công chứng Lê Hùng Anh (TP HCM) cho biết:
“Thời gian gần đây, nhiều vụ án xảy ra do doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) vi phạm pháp luật, tìm nhiều hình thức lách luật để huy động vốn, bán, chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện bằng các hình thức thoả thuận hợp đồng đặt cọc, thoả thuận hợp đồng nguyên tắc để mua bán, chuyển nhượng…
Các tổ chức kinh doanh BĐS thường là một tổ chức có bộ máy chuyên nghiệp, kinh nghiệm, am hiểu pháp lý. Với nhiều hình thức, họ đưa ra những hợp đồng, những thoả thuận để ký với khách hàng nhằm huy động vốn, chiếm dụng vốn. Tuy nhiên, khi thấy bất lợi, họ sẵn sàng mời khách chấm dứt các thoả thuận mà không có sự đền bù thoả đáng."
Theo nhìn nhận của ông, có nhiều vụ án liên quan đến BĐS, nhiều người vướng tội danh lừa đảo, bán chuyển nhượng BĐS khi chưa đủ điều kiện hoặc dự án “ma”. Các giao dịch về quyền SDĐ có giá trị rất lớn, hình thức pháp lý của giao dịch rất quan trọng trong việc ổn định trật tự pháp lý, góp phần điều chỉnh thị trường BĐS.
Từ thực tế này, ông Khánh cho rằng, cần có cơ chế tăng cường tính hợp pháp cả về nội dung và hình thức giao dịch để bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân yếu thế khi mua BĐS từ các chủ đầu tư và DN kinh doanh BĐS.
"Hiện nay, các tổ chức công chứng là đơn vị độc lập, nơi xem xét các yếu tố pháp lý, phòng ngừa hạn chế rủi ro các giao dịch BĐS, hạn chế tối đa tranh chấp. Hơn nữa, cá nhân luôn là bên yếu thế khi giao dịch với DN kinh doanh BĐS. Nên cần có quy định tất cả giao dịch BĐS phải qua công chứng.
Một khi các giao dịch BĐS được công chứng sẽ tạo lòng tin cho các bên yên tâm thực hiện giao dịch theo thoả thuận”. - ông nói.