HoREA kiến nghị nới room
Với vai trò là diễn đàn của các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM, Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã rất nhiều lần kiến nghị gửi tới rất nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương nhằm tìm ra giải pháp, lối thoát cho thị trường này.
Mới đây nhất, HoREA có văn bản gửi tới Thủ Tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề nghị được nới trần tín dụng thêm 1% trong năm 2022.
Theo Horea, tại thời điểm then chốt hiện nay để bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 và trước Tết Quý Mão là hết sức cần thiết. Hiệp hội này nhận thấy, thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng, có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Hiệp hội cho rằng, các giải pháp xử lý không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý. Đồng thời, doanh nghiệp bất động sản phải thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực, chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối, thực chất để thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư vượt qua khó khăn để phục hồi, tăng trưởng, phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1% (nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15%) để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Hiệp hội cũng đề nghị các tiêu chí để các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.
Nới trần có giải quyết được căn cơ?
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, chủ doanh nghiệp tại các diễn đàn, hội thảo đều cho rằng, nguồn vốn tín dụng bổ sung vào thời điểm này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ. Nó sẽ làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng về sau, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế và chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (tiền gửi tiết kiệm) để cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản của Ngân hàng Nhà nước…
Tuy nhiên, không ít người cho rằng, việc thị trường bất động sản rơi vào tình trạng như hiện nay là do quá trình phát triển quá nóng, lệch pha về cung cầu, vượt qua những giới hạn chịu đựng của quy luật chung. Một phần nguyên nhân cũng phải kể đến việc tín dụng vào bất động sản thời gian qua quá dễ dàng nên nhà nhà, người người đã dùng đòn bẫy tài chính từ ngân hàng để đua nhau đi mua nhà đất, lướt sóng dẫn đến tình trạng bất động sản bong bóng, mất tính thanh khoản như hiện nay.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu lúc này nới trần để tiền tiếp tục chảy vào bất động sản thì rất khó kiểm soát nó chảy đúng chỗ cần và cũng chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ, trước mắt của nền kinh tế. Giai đoạn này nguồn vốn đã rất hạn hẹp, nếu không tính toán kỹ để tập trung vào các ngành nghề sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, giảm thiểu lạm phát, mà tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vào thị trường bất động sản thì hệ quả lâu dài còn nặng nề hơn. Rõ ràng đây là bài toán hết sức khó khăn, chính vì vậy nên cân nhắc, tính toán thật kỹ càng nên hay không nên, nhất là lúc cả nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình cảnh hết sức khó lường.