Cần thiết phải có Ngày Pháp luật

Thảo luận về dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) chiều qua (29/5), nhiều ĐBQH tán thành cao phải có Ngày Pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Thảo luận về dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) chiều qua (29/5), nhiều ĐBQH tán thành cao phải có Ngày Pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Cần quy định tỷ lệ tối thiểu ngân sách cho PBGDPL

Về xã hội hóa công tác PBGDPL, nhiều ĐB đồng tình vì trong điều kiện hiện nay, khi mà nguồn lực cho công tác PBGDPL còn nhiều hạn chế thì xã hội hóa là cần thiết. Tuy nhiên, một số ĐB cho rằng một số quy định của dự thảo Luật còn chưa thể hiện rõ nét chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể huy động được các nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL.

ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) nhấn mạnh: kinh phí đóng vai trò quyết định trong công tác PBGDPL, tuy nhiên dự thảo luật còn chung chung. “Cần đưa ra cơ chế cung cấp ngân sách, tỷ lệ tối thiểu ngân sách phải dành cho PBPL. Làm sao đảm bảo VBPL trước khi có hiệu lực phải được tuyên truyền rộng rãi, tránh chiếu lệ, mà nguyên nhân do thiếu kinh phí”,  ĐB này nói.

ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (Hải Phòng) cho rằng, trong công tác xã hội hóa, không nên quy định “tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ” vì như vậy sẽ tạo ra sự không chặt chẽ, thực hiện cũng được, không cũng không sao. Còn ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) lại chỉ ra sự “khuyết thiếu” trong dự thảo Luật, đó là quy định về trách nhiệm HĐND trong phân bổ dự toán, tuy nhiên “những nơi không tổ chức HĐND thì cơ quan nào thực hiện chức năng này” ĐB hỏi.

Quyết liệt hơn, nhiều ĐBQH còn cho rằng, cần phải có chế tài xử lý đối với những cá nhân, tổ chức không bố trí kinh phí, không tạo điều kiện cho công tác PBGDPL. Không thể quy định một chiều (khen thưởng) mà lại “quên” các quy định về xử lý kỷ luật.

Ngày Pháp luật động viên người dân học tập pháp luật

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì công tác PBGDPL cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc lấy một ngày trong năm làm Ngày Pháp luật là cần thiết để tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Ngày Pháp luật nước CHXHCNViệt Nam (ngày 9/11 hàng năm).

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) ủng hộ quy định này vì theo ĐB “một năm có một ngày để nhắc nhở người dân học tập pháp luật là cần thiết và rất có ý nghĩa, đây cũng là dịp để chính quyền xem lại những việc đã và chưa làm được trong công tác PBGDPL”.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đồng tình “Ngày Pháp luật có tác dụng động viên người dân học tập pháp luật” tuy nhiên ông lưu ý “phải làm thế nào để tránh hình thức, phô trương”. Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) và nhiều ĐB khác. Tuy nhiên, các ĐB cũng lưu ý “cần quy định cụ thể để tránh đùn đẩy”.

Đề nghị bổ sung thêm đối tượng đặc thù

Cho rằng, những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc là những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật là những đối tượng đặc thù cần PBGDPL, dự thảo Luật quy định 6 nhóm đối tượng thuộc diện này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xác định rõ đối tượng đặc thù là cần thiết, tuy nhiên Ủy ban không đồng ý đưa đối tượng cán bộ công chức vào nhóm đặc thù vì đây là những người có trình độ hiểu biết pháp luật cao.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) cũng tỏ ra không bằng lòng “đặc thù phải là người  dân miền núi, người lao động, ngư dân…cán bộ viên chức là một bộ phân công dân ưu tú, có năng lực trình độ, hiểu biết pháp luật cao sao lại đưa ngang với người dân khó khăn?”. ĐB Danh Út đề nghị bổ sung đối tượng chức sắc tôn giáo, nhà tu hành trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng là đối tượng đặc thù cần PBGDPL.

Tán thành việc quy định về đối tượng đặc thù để việc PBGDPL tập trung và hiệu quả hơn tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị “phải rà lại và cần làm rõ cơ sở xác định đối tượng đặc thù. Nên bổ sung thêm người già và người nghèo cũng là đối tượng đặc thù vì họ ít có điều kiện tiếp cận pháp luật”.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng cần có quy định về đối tượng đặc thù nhưng ĐB này lưu ý “đã là đặc thù thì phải có chính sách riêng”.

Dự kiến, Dự án Luật PBGDPL được thông qua tại kỳ họp này.

Trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương

1. Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Giám sát việc thực hiện pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật;

...d, Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

                   (Điều 27 dự thảo Luật PBGDPL)

Nhóm PV

Đọc thêm