Cần Thơ đề xuất xây thêm cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc đề nghị các Bộ xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho TP đầu tư xây dựng cầu Ô Môn kết nối TP với tỉnh Đồng Tháp. Việc đề xuất dự án nhằm mục đích ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết vùng, hoàn thiện hệ thống giao thông vùng ĐBSCL và TP, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng cho TP và các địa phương trong vùng thuộc dự án.

Dự án cầu Ô Môn có tổng chiều dài khoảng 5,4km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54, cách bến phà Phong Hòa - Ô Môn khoảng 2,7km về phía thượng nguồn sông Hậu (thuộc tỉnh Đồng Tháp). Điểm cuối giao với đường tỉnh 920 (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Dự kiến, tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA vay Chính phủ Nhật Bản là hơn 7.000 tỷ đồng, phần vốn còn lại từ nguồn vốn ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác; thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2030.

Theo UBND TP, trong hơn 30 năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu đã có những tác động tiêu cực về mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội của người dân; đặc biệt gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình hiện hữu. Vì vậy, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ đe dọa đến hoạt động đầu tư, phát triển trong tương lai của TP Cần Thơ và các khu vực chịu ảnh hưởng.

Ngoài cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống hiện hữu, UBND TP Cần Thơ đề xuất tiếp tục xây thêm cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu, nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp; kết nối liên vùng Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp - Ảnh minh hoạ.

Ngoài cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống hiện hữu, UBND TP Cần Thơ đề xuất tiếp tục xây thêm cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu, nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp; kết nối liên vùng Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp - Ảnh minh hoạ.

Song, hiện nay khu vực dự án kết nối qua sông Hậu có cầu Cần Thơ trên tuyến Quốc lộ 1, cầu Vàm Cống trên tuyến Cao Lãnh – Rạch Sỏi. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai cầu là 50km nên chưa đảm bảo thuận lợi cho việc kết nối các tỉnh/thành trong khu vực, dẫn đến thời gian di chuyển của phương tiện giao thông kéo dài làm tăng lượng khí thải nhà kính, gây ra sự nóng lên toàn cầu làm biến đổi khí hậu.

Vậy nên, việc xây dựng Cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối huyện Thới Lai (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), cùng tuyến nối cầu Ô Môn với TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) sẽ hình thành nên một tuyến đường trục kết nối liên vùng, tăng khả năng kết nối giữa các tỉnh thuộc ĐBSCL. Đồng thời, khi dự án hoàn thành và đi hoạt động, dự kiến sẽ có những tác động lớn đến tình hình kinh tế, xã hội, môi trường của các địa phương nằm trong dự án và vùng ĐBSCL.

Điển hình như việc rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải; tăng tính cạnh tranh và mở rộng giao thương của hàng hóa; tăng tính linh hoạt trong vận tải, lưu thông hàng hóa; giảm thiểu ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông; tạo nền tảng cho sự phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung kết nối khu vực ĐBSCL, giúp phát huy hết năng lực khai thác của các tuyến kết nối Đông, Tây Nam bộ…

Riêng về mặt môi trường, khi tạo ra một tuyến đường vận chuyển tốt và an toàn sẽ rút ngắn thời gian lưu thông của các phương tiện, giảm ùn tắc – tai nạn giao thông; trong đó, đặc biệt là giảm tải cho Quốc lộ 1. Qua đó, giảm lượng khí thải nhà kính, là một trong những nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu làm biến đổi khí hậu.

Đọc thêm