Cần Thơ: Người thuê trọ vẫn bị “móc túi” tiền điện

(PLO) - Mặc dù sinh viên và người lao động là đối tượng được Nhà nước áp dụng chính sách ưu đãi giá điện khi thuê trọ, nhưng hầu hết họ đều không được hưởng ưu đãi này. Quy định đã nêu rõ nhưng giá điện vẫn “leo thang”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Người thuê trọ vẫn bị “móc túi”

Trên địa bàn TP Cần Thơ, đặc biệt là quận Ninh Kiều có rất nhiều cơ sở kinh doanh nhà trọ, phần lớn đối tượng thuê là sinh viên và người lao động có thu nhập thấp. Ngoài giá phòng trọ, người thuê còn phải chịu thêm chi phí điện, nước, rác thải. Vấn đề đáng nói là các khoản thu này lại cao hơn so với quy định, đặc biệt là giá điện. 

Trong vai một sinh viên, chúng tôi đến một nhà trọ trên đường Tầm Vu (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) để thuê phòng thì chủ nhà trọ cho biết giá điện là 4.000 đồng/kWh. Khi hỏi vì sao giá điện lại cao hơn quy định thì người này giải thích: “Tiền điện, nước ở nhà trọ cao hơn thực tế là chuyện bình thường”. Tiếp tục tìm đến nhà trọ ở các tuyến đường như: 30/4, 3/2…chúng tôi đều nhận được câu giải thích tương tự.

Nguyễn Lê Kiều (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, thuê trọ trên đường Tầm Vu cho biết thuê phòng trọ ở đây đã được 3 năm, giá điện tới 4.000 đồng/kWh. Mỗi phòng trọ đều có gắn công tơ riêng. Dù rất tiết kiệm nhưng mỗi tháng cũng phải trả khoảng 300.000 đồng tiền điện. “Lúc nghe có quy định giá điện ưu đãi tại các phòng trọ cho sinh viên em mừng lắm nhưng thực tế thì giá vẫn vậy, không giảm chút nào. Biết là giá cao nhưng khó tìm những nhà trọ có giá điện rẻ hơn vì nơi nào cũng như nhau”, em Kiều than thở.

Tương tự, với mức giá điện 4.000 đồng/kWh, em Trần Văn Thật, sinh viên năm nhất ngành y, thuê trọ trên đường Trần Vĩnh Kiết (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chia sẻ, “Em ở quê mới lên nhập học, nghĩ là trên thành phố cái gì cũng mắc nên chủ trọ họ bảo sao thì em nghe vậy chứ không biết gì mức giá điện được ưu đãi”.

Không chỉ có sinh viên, công nhân, người lao động có thu nhập thấp cũng là đối tượng bị ‘ép giá” tiền điện. Chị Lê Thị Kim (ngụ tỉnh An Giang), là phụ bếp của một quán cơm tại TP Cần Thơ chia sẻ: “Tại dãy nhà trọ tôi thuê, giá điện phải trả cho chủ là 3.500 đồng/kWh. Mặc dù đã có phần rẻ hơn những nơi khác nhưng mức giá này là quá cao so với đồng lương làm công eo hẹp”.

Thực tế cho thấy không ít  người thuê trọ không biết quy định về giá điện tại khu nhà trọ, có biết thì họ nghĩ rằng “thuê ở đâu cũng vậy”, hằng ngày họ âm thầm bị “móc túi” mà không hay biết. Việc thu tiền điện chênh lệch vượt mức quy định là thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của nhiều sinh viên và người lao động thuê trọ.

Quy định đã có sao chưa thực hiện?

Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BCT có hiệu lực ngày 26/10/2018 về thực hiện giá bán điện tại các khu vực nhà trọ sinh viên, công nhân có lao động thấp được sự đồng tình và hào hứng của người dân. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện quy định này vẫn còn nhiều bất cập, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Thực tế cho thấy thời gian qua có nhiều trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện của người ở thuê với giá rất cao so với quy định.

Theo khoản 5, Điều 1 của Thông tư 25/2018/TT-BCT quy định trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện. Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà: Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Ngoài ra, trường hợp người thuê trọ dưới 12 tháng và không xác định được số hộ (thông thường sinh viên và công nhân) sẽ áp dụng giá bán lẻ điện theo thang thứ 3 (1.858 đồng/kWh chưa VAT) cho toàn bộ sản lượng điện đo tại công tơ. Ví dụ: 20 người ở trọ, tiêu thụ 400kWh/tháng. Cách tính sẽ là: 400kWh x 1.858 đồng/kWh + 10% (VAT) = 743.200 đồng + 74.320 đồng (VAT) = 817.520 đồng.

Tuy nhiên, thực tế có bao nhiêu nơi áp dụng? Theo ghi nhận của PV, tại hầu hết các cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng giá điện từ 3.000 - 4.000 đồng/kWh. Với mức tính này, tiền điện cũng cao hơn gấp 2, 3 lần so với thực tế. 

Trước đó như PLVN đã thông tin, người thuê trọ ở Nghệ An phải chịu giá điện cao “ngất ngưởng”. Qua khảo sát thực tế tại các phường ở TP Vinh như: Trung Đô, Bến Thủy, Hưng Lộc, Nghi Kim, Hà Huy Tập, Nghi Phú… thì hầu như quyền được “tiếp cận” giá điện theo quy định mới chưa được đảm bảo. Đơn cử như tại phường Trung Đô, hiện có gần 150 hộ kinh doanh phòng trọ, với hơn 450 người thuê, nhưng giá bán điện đến tận những đối tượng như sinh viên, người lao động vẫn ở mức cao, dao động từ 2.700 - 3.200đ/kWh. Hầu hết các phường nêu trên chủ các nhà trọ thu tiền điện “mỗi nơi một kiểu” nhưng đều có điểm chung là “giá cao hơn so với khung giá quy định”.

Nguyên nhân của thực trạng trên có thể nhiều chủ trọ không biết hoặc cố tình “ngó lơ” quy định. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu phải đề cập đến xuất phát từ việc cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương ở một số nơi thực sự quyết liệt, thiếu giải pháp căn cơ và còn nể nang trong xử lý vi phạm. Mặt khác, người thuê trọ cần tìm hiểu quy định pháp luật để kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đồng thời tố giác đến cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm.

Đọc thêm